Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đường đi của người dân thôn Phú Tân bị sạt lở có chỗ bề rộng chỉ còn 0,5m - Ảnh: Đ.Lập
Nguyên nhân được chỉ ra là do “cát tặc” và thủy điện buôn Tua Sah gần đó.
Sáng 14-7, ông Trần Văn Thuận (người dân trong thôn) dẫn chúng tôi tới đoạn đường sạt lở được kê bằng những tấm gỗ chỉ vừa đủ một chiếc xe máy đi qua.
“Con đường này là chỗ đi lại duy nhất ở đây. Trước rộng 10m, xe bốn bánh chạy qua được. Thế mà chỉ sau một năm còn lại thế này” - ông Thuận nói.
Chỉ tay về khúc sông trước nhà, ông Thuận kể tiếp: “Ở đây trước chỉ có một con suối nhỏ chảy qua nhưng giờ thành dòng sông rộng đến 20m. Mỗi khi trời mưa là bùn, đất đầu nguồn trôi dạt về, chẳng ai dám đi ngang qua con suối. Bà con phải leo lên đường núi để đi”.
Sát nhà ông Thuận, nhà bà Lâm Thị Năm cũng chịu cảnh sạt lở nặng nề, khoảng cách giữa nhà và sông còn chưa đầy 2km.
Cố buộc cánh cửa mục nát bằng cây chuối, bà Năm tâm sự: “Mùa mưa là lúc gia đình tôi khốn khổ. Đêm không dám ngủ, lũ lụt về 2-3 ngày. Khi nước rút đất đổ rầm rầm, nhà cửa rung lên như có động đất”.
Căn nhà của ông Nguyễn Hữu Độ nằm cạnh cầu Đắk Nang, bên cạnh là con đường dân sinh của hàng chục hộ dân canh tác dọc theo dòng chảy của suối Đắk Nang. Thời gian qua, dòng chảy của suối liên tiếp gây sạt lở khiến con đường vào khu dân cư vốn rộng 4m chỉ còn khoảng 0,5m bề rộng.
Người dân ở đây cho biết trước đây mùa mưa thì chỉ có lũ lụt chứ không có sạt lở đất. Nhưng từ khi thủy điện buôn Tua Sah đi vào hoạt động thì sạt lở ngày càng
trở nên nghiêm trọng.
Theo thống kê của xã Đắk Nang, hiện nay khoảng 2km dọc hai bên bờ sông Krông Nô bị sạt lở và hàng ngàn mét vuông có nguy cơ sạt lở, cây cầu bêtông đi ra khu sản xuất bờ sông của người dân bị sập hoàn toàn do sạt lở và nằm trọn trong lòng sông.
Ông Đỗ Khắc Đào - phó chủ tịch UBND xã Đắk Nang - cho biết: “Từ khi thủy điện buôn Tua Sah và các điểm khai thác cát mọc lên thì sạt lở xuất hiện, mạnh nhất là năm 2011. Người dân phản ảnh gay gắt, có năm còn làm đơn tập thể, dẫn đến khiếu kiện đông người”.
Báo cáo của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Nô cũng cho thấy nguyên nhân việc sạt lở hai bên bờ suối thôn Phú Tân là do Nhà máy thủy điện buôn Tua Sah điều tiết nước.
Có 35 hộ dân chịu ảnh hưởng sạt lở đất ở và đất sản xuất. Huyện đã đề nghị công ty thủy điện có biện pháp khắc phục sự cố. Thế nhưng sau khi thống kê đất ở, đất sản xuất, số hộ dân thì đến nay vẫn không thấy công ty trả lời.