Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dự án "Tái tạo cân bằng sinh thái và giảm nghèo tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận" vừa được xét chọn là người thắng cuộc quốc gia của Giải thưởng Toàn cầu về Năng lượng (EGA) năm 2008, do Nghị viện châu Âu (EP) tổ chức.
Dự án này do Trung tâm Phát triển Kinh tế Xã hội tỉnh Bình Thuận (SEDEC Bình Thuận) - một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, thực hiện, với sự tài trợ của Konrad Adenauer Stiftung (Đức), nhằm giúp nông dân một số phương pháp để lập lại cân bằng sinh thái.
Ngoài ra, dự án cũng giúp nông dân áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến để tăng thu nhập, cải thiện kinh tế.
Dự án gồm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn được thực hiện trong ba năm. Giai đoạn đầu là giai đoạn thử nghiệm sẽ giành ra 1/3 diện tích trồng trọt của nông dân để trồng rừng.
Số đất còn lại được chuyển sang thâm canh một số giống cây mới như cây bạch đàn, đồng thời sử dụng giống mới và phân bón hợp lý cho cây điều truyền thống.
Giai đoạn hai là giai đoạn ứng dụng, các mô hình canh tác được tiếp tục thực hiện tại các điểm được lựa chọn mang tính chiến lược, thành lập và củng cố tổ chức tín dụng tiết kiệm xã hội nhằm xây dựng nền tảng hỗ trợ lẫn nhau về tài chính giữa bà con nông dân tham gia dự án. Trong suốt giai đoạn này, hoạt động trồng rừng vẫn được ứng dụng song song với các hoạt động khác của dự án.
Trong giai đoạn ba, giai đoạn bền vững, SEDEC sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần thiết. Theo ước tính, trong hai giai đoạn đầu của dự án sẽ cần hơn 400.000 euro.
Khi thành công, dự án sẽ khôi phục được hệ sinh thái đang bị mất cân bằng nghiêm trọng ở khu vực này, thu nhập của người dân sẽ tăng từ 30 đến 35 phần trăm mỗi năm.
Bình Thuận là tỉnh duyên hải có năm trong số chín huyện dọc bờ biển bị đe dọa bởi hiện tượng sa mạc hóa và đồi cát bay. Sự thành công của dự án sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng ở những huyện khác.
Sau dự án, diện tích rừng bao phủ sẽ từ 34 phần trăm hiện nay tăng lên 56 phần trăm, đủ ổn định môi trường, chống sa mạc hóa.
Dự án được đề xuất từ thực tế ở Bình Thuận, trong hơn 30 năm qua có khoảng 10.000 ha rừng bị hủy hoại tại hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Hiện nay vùng đất này đang có nguy cơ bị sa mạc hóa, chỉ còn lại chủ yếu là những đồi cát. Rừng bao phủ đã bị mất đi, độ mầu mỡ của đất rất thấp. 1.700 hộ dân với 8.200 nhân khẩu đang sinh sống tại khu vực này, chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp.
Do đất đai cằn cỗi nên chỉ một vài giống cây trồng đòi hỏi ít đầu tư về tiền bạc được canh tác, thu nhập của nông dân từ sản xuất nông nghiệp do vậy rất thấp.
(Theo TTXVN)