Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Gia Lai: Người dân bức xúc việc chuyển đổi 50.000 ha rừng trồng cao su

(11:16:55 AM 15/07/2015)
(Tin Môi Trường) - Sáng nay, 15-7, HĐND tỉnh Gia Lai khai mạc kỳ họp thứ 9, khóa X (nhiệm kỳ 2011-2016). Một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là việc đánh giá dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su.

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu sẽ dành thời gian thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội và giải đáp những ý kiến bức xúc của cử tri.


Cử tri huyện Chư Sê đề nghị UBND tỉnh Gia Lai sớm thu hồi đất tại xã Ia Bang (Chư Sê) đã cấp cho Công ty TNHH Bikati trồng cao su nhưng hiện nay công ty đã giải thể. Cử tri huyện Đức Cơ đề nghị tỉnh thống nhất chủ trương cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân có đất nông nghiệp đã sử dụng ổn định trong vùng dự án tạm giao cho Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức trồng cao su (xã Ia Kriêng) nhưng dự án không thực hiện đã bị thu hồi.

 

UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã cho phép 17 doanh nghiệp thuê để thực hiện 44 dự án trồng cao su trên đất có rừng tự nhiên nghèo trên nhiều huyện với tổng diện tích hơn 32,555 ha, hiện đã trồng được hơn 25,547 ha cao su (có khoảng 10,2% bị chết).


Gia Lai: Người dân bức xúc việc chuyển đổi 50.000 ha rừng trồng cao su

Một diện tích chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại huyện Chư Prông - Ảnh C.B

 

Theo kết quả giám sát “Tình hình triển khai thực hiện và chất lượng phát triển cây cao su trên đất rừng nghèo theo Dự án phát triển 50.000 ha cao su trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 tới nay” của HĐND tỉnh Gia Lai, việc triển khai dự án đến nay chưa đạt được hiệu quả về kinh tế xã hội, chưa đạt được mục tiêu đề ra như: Chưa hoàn thành việc chuyển đổi theo kế hoạch dự tính đến năm 2015 phải hoàn thành (hiện tại mới chỉ đạt hơn 51%); một số diện tích để xảy ra tình trạng tranh chấp đất giữa doanh nghiệp và người dân; nhiều doanh nghiệp tự ý chuyển đối mục đích sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch, tự ý trồng mía, trồng cỏ, xây trại nuôi bò trên diện tích đất được giao trồng cao su; các doanh nghiệp với chính quyền địa phương và các sở, ngành của tỉnh chưa có sự phối hợp, thống nhất cao.


Theo đánh giá của HĐND tỉnh Gia Lai, qua 7 năm triển khai dự án, theo quy định đến nay các doanh nghiệp chưa phải nộp một đồng nào vào ngân sách. Trong khi đó khoản tiền từ việc bán gỗ, củi tận thu trên diện tích khai hoang vẫn còn nợ ngân sách hơn 8 tỉ đồng.

Hoàng Thanh/NLĐ