Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
GS Anthony Bigio. Ảnh: Việt Anh
Giáo sư Anthony Gad Bigio, chuyên gia về Lập kế hoạch đô thị bền vững, Đại học George Washington, Mỹ, trao đổi bên lề Diễn đàn Khu vực về Biến đổi khí hậu (RFCC) tại Bangkok, Thái Lan, mới đây.
- Hà Nội và một số đô thị ở miền Bắc Việt Nam từ đầu năm nay có hiện tượng nóng bất thường, nhiệt độ có lúc lên khoảng 40 độ C. Ông có thể lý giải?
- Tôi chưa có dịp đến Hà Nội chứng kiến hiện tượng này nhưng các dữ liệu khoa học cho thấy nhiệt độ đang tăng lên ở một số nơi, là hệ quả của phát thải khí nhà kính. Các hoạt động công ngiệp, giao thông và cả sử dụng năng lượng là những nguyên nhân gây nên tình trạng phát thải khí nhà kính, dẫn tới sự thay đổi của khí hậu.
Việc nhiệt độ cao và kéo dài trong vài ngày cũng xảy ra ở Ấn Độ và Pakistan hồi tháng 5 và tháng 6 khiến số người thiệt mạng lên đến hơn 2.000 người. Tại Paris, Pháp, và Chicago, Mỹ, cũng có nhiệt độ tăng cao bất thường.
- Ông có cho rằng quá trình đô thị quá góp phần làm tăng nhiệt?
- Đúng vậy, các đô thị đang phát triển cùng với nhu cầu lớn về tiêu thụ năng lượng, gây thêm áp lực về phát thải khí nhà kính. Khi chúng ta phát triển nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch thì tự chúng ta đang gây thêm khó khăn cho mình.
Các đợt nóng bất thường, cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt xuất hiện thường xuyên hơn và cường độ mạnh hơn trong thập kỷ qua. Tôi cho rằng các thành phố cần có các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Vì sao nhiệt độ cao duy trì trong thời gian dài, không giảm vào ban đêm như trước đây?
- Điều bạn miêu tả là tương đồng ở nhiều thành phố trên thế giới, nhiệt độ cao kéo dài khiến cuộc sống ngột ngạt hơn. Đó là do các đô thị "hấp thụ" bức xạ mặt trời vào ban ngày, vào buổi tối sức nóng từ bê tông và sắt thép sẽ "phát ra", đó gọi là hiệu ứng "đảo nhiệt" (heat island effect).
- Ông có thể nêu một vài gợi ý giúp giảm nhiệt ở các thành phố lớn?
- Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, việc thiếu tính toán đến thích ứng với biến đổi khí hậu gây nên những thiệt hại cả về người và kinh tế. Vấn đề này liên quan đến thiết kế đô thị và cả cách hành xử của người dân. Câu hỏi là làm sao giảm tiêu dùng năng lượng và tạo thêm các khoảng không gian xanh trong các thành phố. Tại Bangkok chẳng hạn, lượng phát thải khí nhà kính do giao thông chiếm tới 49%.
Các nhà làm chính sách và các nhà khoa học đều đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Nhiều thành phố ở các nước Đông Nam Á còn phải chịu cảnh ô nhiễm không khí. Việc giảm các nhân tố làm tăng phát thải khí nhà kính cũng giúp cải thiện sức khỏe của cộng đồng.
- Giảm sử dụng năng lượng hóa thạch là giải pháp lâu dài, còn biện pháp ngắn hạn là gì?
- Việc thiết kế các tòa nhà có thể tính đến hướng gió, không tạo các vật cản với hướng gió, tức là tính toán cả thiết kế xung quanh các tòa nhà rất quan trọng. Điều này cần được xem xét trước khi mở rộng quy mô các thành phố.
Thứ hai, chính quyền địa phương cần xây dựng và mở rộng các khu vực không gian xanh (cây cỏ và hồ nước - green and blue area) vì chúng giúp duy trì nhiệt độ ở mức thấp. Cần có nhiều cây ở các khu vực công cộng như đường phố, quảng trường, các ngõ nhỏ, công viên. Thực tế là các đô thị phát triển khiến diện tích dành cho không gian xanh bị thu hẹp hơn, khiến hiệu ứng "đảo nhiệt" thêm trầm trọng. Tôi biết ở một số thành phố lớn tại châu Âu, người dân còn đi biểu tình yêu cầu chính quyền mở rộng diện tích hơn cho không gian xanh.
Còn đối với tình trạng khẩn cấp do nắng nóng, chính quyền cần có hệ thống cảnh báo, cung cấp thông tin để người dân biết chuyện gì đang xảy ra. Tại một số thành phố trên thế giới, người già, trẻ em có thể tạm trú tại các trại "lánh nạn" và được chăm sóc y tế.