Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cầu dân sinh - nỗi lo của người dân Gia Lai khi mùa mưa đến - Ảnh minh họa: ND- tinmoitruong.com.vn
Đây là nỗi lo lắng của người dân bởi phần nhiều cầu dân sinh trên địa bàn đang bị xuống cấp, có những chiếc cầu xuống cấp nghiêm trọng cần phải được đầu tư sửa chữa và làm mới thay thế.
Ở xã Đông thuộc huyện K'Bang có chiếc cầu treo bắc qua con sông Ba rộng lớn, dài 120m và được đầu tư xây dựng từ năm 2002 với vốn gần 1 tỷ đồng. Đây được coi là con đường "độc đạo" của hàng chục nghìn người dân trong vùng và các xã lân cận hàng ngày qua lại để sản xuất và đưa hàng hoá nông sản từ bên kia sông về các buôn làng. Mới qua 10 năm sử dụng, chiếc cầu treo này đã xuống cấp mặc dù đã qua 3 đợt sửa chữa lớn với tổng nguồn kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng nhưng vẫn không đảm bảo cho người và phương tiện qua lại. Ông Trần Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND xã Đông cho biết, cứ mỗi lần đến mùa mưa và nhất là đến thời điểm thu hoạch mùa vụ, chính quyền đã cử lực lượng đến cầu để điều tiết lượng xe qua lại trên cầu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Có những chiếc cầu treo, cầu dây bị xuống cấp nghiêm trọng không thể sử dụng được, chính quyền địa phương thông báo rộng rãi trong dân và đã treo biển cấm, dùng vật liệu che chắn làm chướng ngại vật cấm đi lại, song người dân trong vùng vẫn "vô tư" tháo dỡ và đi lại bình thường. Như ở thị trấn K'Bang (huyện K'Bang) có chiếc cầu treo dài khoảng 100m bắc qua sông Ba được đầu tư xây dựng từ năm 1985 và cách đây hơn 5 năm không còn sử dụng được. Huyện đã huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng 1 cầu vĩnh cửu cách đó khoảng 300m đi lại rất an toàn, nhưng người dân chưa "ưng cái bụng" bởi cách xa khu sản xuất. Ông Đinh Huyêch, dân tộc Bahnar cho biết, dù biết rằng chiếc cầu treo bị xuống cấp và dễ gây ra nguy hiểm, song bà con cũng phải đi lại bởi gần hơn; còn đi trên chiếc cầu vĩnh cữu thì xa hơn nên bà con không thích...
Ở một số làng trong xã Chơ Lơng (huyện Konchoro) cũng nằm trong tình trạng như ở thị trấn K'Bang, chỉ có cái khác là chưa xây dựng được cầu kiên cố mà phải sử dụng chiếc cầu treo tạm bợ xây dựng đã hơn 10 năm. Bà con ở đây cho rằng, mùa khô nước cạn còn lội qua sông suối được còn đến mùa mưa thì không còn cách nào khác là phải qua cầu dù biết rằng hiểm nguy không lường trước được...
Qua khảo sát thực tế của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 82 cầu dân sinh cần được đầu tư sửa chữa hoặc làm mới thay thế. Trong thời gian qua (giai đoạn I), tỉnh đã huy động nguồn vốn xây dựng mới được 7 cầu dân sinh và đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong mùa mưa này; còn 33 cầu đã đưa vào quy hoạch làm mới hoặc sửa chữa trong những năm tới. Trước mắt đầu tư làm mới 2 cầu treo có tính cấp thiết về đời sống dân sinh tại địa bàn huyện Chư Sê và Mang Yang.
Trong khi nhiều cầu dân sinh chưa được đầu tư vốn để sửa chữa hoặc làm mới thay thế, thì các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh Gia Lai - địa bàn có những chiếc cầu dân sinh xuống cấp đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn việc đi lại cho dân. Đồng thời xây dựng phương án cứu hộ cứu nạn tại các điểm cầu dân sinh đang bị xuống cấp nghiêm trọng nếu như có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ.