Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cô gái trẻ Memory Banda người Malawi - Ảnh: Malawivoice
Banda sinh ra và lớn lên ở đất nước nghèo nhất thế giới: Malawi. Không chỉ nghèo, quê hương cô vẫn tồn tại rất nhiều hủ tục, trong đó tình trạng bất bình đẳng giới, coi thường phụ nữ khá nặng nề. Banda thừa nhận sống trong cảnh đó, cô không có lựa chọn riêng, không có cơ hội riêng cho mình.
Ở cộng đồng của Banda có tập tục từ lâu dành cho các thiếu nữ khi bước vào tuổi dậy thì. Các em được yêu cầu đến những nơi gọi là “khu lều trại nhập môn”. Tại đó, các em được dạy cách làm thỏa mãn tình dục cho một người đàn ông.
Ở đây, có một ngày mà dân làng gọi là “ngày đặc biệt”. Vào ngày đó, dân làng thuê một người đàn ông đến khu trại và quan hệ với các cô gái trẻ. Sau “ngày đặc biệt”, rất nhiều bi kịch xảy đến. Hầu hết các bé gái mang thai, thậm chí có người bị nhiễm virút HIV/AIDS hoặc các bệnh lây qua đường tình dục.
Nhà Banda có hai chị em. Em gái cô mang thai khi mới 11 tuổi cũng trong một “ngày đặc biệt” như thế. Cô bé mang thai khi chưa kịp biết tự chăm sóc bản thân. Đó là nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà Banda đã trải qua cùng em. Chuyện đó xảy ra cách đây năm năm. Nay em gái Banda 16 tuổi, nhưng cô bé đã đổ vỡ tới hai cuộc hôn nhân sau đó.
Thấm thía nỗi khổ của em, năm Banda 13 tuổi, cô kiên quyết không chịu đến các khu lều trại nhập môn theo yêu cầu của người lớn, bất chấp việc bị họ mắng mỏ, chửi bới mỗi ngày. Những người lớn nói cô là đứa cứng đầu, không tôn trọng truyền thống của dân làng, xã hội.
Bất chấp điều đó, Banda bắt đầu nghĩ tới việc cần phải làm gì để thay đổi số phận những cô gái giống đứa em bất hạnh của mình. Từ việc gần gũi họ, giúp họ ôn lại cách cầm bút, viết chữ, đọc sách, Banda được nghe họ kể nhiều hơn về những trải nghiệm riêng trong vai trò làm mẹ trẻ.
Tới một ngày cô đặt câu hỏi với các bạn: “Tại sao chúng ta không đem tất cả những nỗi khổ này nói với các vị trưởng làng?”. Ý tưởng đó thật táo bạo và khiến tất thảy lo sợ. Ai cũng biết các vị trưởng làng đều đã quá quen với những tập tục truyền thống tồn tại nhiều đời nay. Điều đó thật khó khăn, nhưng Banda hiểu nó đáng được thử.
Thế là Banda cùng các bạn mạnh dạn dấn thân. Họ tới gặp các vị trưởng làng trình bày về nỗi khốn khổ của các cô gái phải sống trong cảnh tảo hôn.
Họ nỗ lực hết sức thuyết phục những người đứng đầu cộng đồng nhận ra tảo hôn và những “ngày đặc biệt” kia là sự hành hạ khôn cùng với các thiếu nữ. Đó là lần đầu tiên những người trưởng làng phải nghe phản biện về một tục lệ xa xưa của cộng đồng. Nhưng may thay, họ đã bị thuyết phục và tới giờ, các cô gái trong làng Banda đều không bị bắt phải lấy chồng trước 18 tuổi.
Chiến thắng đầu tiên mang lại cảm hứng lớn lao với Banda và các bạn. Họ quyết định tiếp tục hành động để bảo vệ cả những cô gái ở các cộng đồng khác. Do đó, khi Quốc hội Malawi họp bàn về dự thảo luật liên quan tới chế độ tảo hôn, Banda và các bạn đã tập trung ngay trước cửa tòa nghị viện. Các cô gặp từng nghị sĩ để thuyết phục họ ủng hộ luật chống tảo hôn.
Không có công nghệ hiện đại, họ cố gắng xin số điện thoại của từng nghị sĩ rồi sau đó nhắn tin thuyết phục. Banda cho biết sau này, khi dự luật được thông qua, các cô gái không quên nhắn tin cảm ơn các nghị sĩ. Sau tất cả những nỗ lực đó, tới nay ở Malawi, tuổi quy định kết hôn hợp pháp là 18 tuổi, nâng lên 3 tuổi so với 15 tuổi trước đó.
Tuy nhiên với Banda, cuộc chiến vì bình đẳng giới, vì tương lai và hạnh phúc của người phụ nữ dường như mới chỉ bắt đầu. Cô hiểu rằng từ luật tới thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá xa. Vì thế, cô kêu gọi mọi người tiếp tục chung sức phổ biến luật pháp, giúp những người phụ nữ ở cả những nơi sâu xa nhất cũng hiểu được các luật lệ để có thể tự bảo vệ.
Chia sẻ niềm vui sau những gì đạt được, trên sân khấu diễn đàn TED mới đây, Banda đã phổ biến đến mọi người một “bài thơ” rất lạ của Eileen Piri, cô bé 13 tuổi sống cùng làng với mình. Bài thơ có tên Tôi sẽ lấy chồng khi nào tôi muốn:
“Tôi sẽ lấy chồng khi tôi muốn. Mẹ không thể bắt tôi lấy. Cha không thể bắt tôi lấy. Bác tôi, dì tôi, anh chị tôi cũng không thể bắt tôi lấy. Không ai trên thế giới có thể bắt tôi lấy chồng. Dù đánh đập tôi. Dù xua đuổi tôi. Dù đối xử tàn tệ với tôi. Tôi cũng sẽ chỉ lấy chồng khi tôi muốn.
Tôi sẽ lấy khi tôi muốn, nhưng không phải trước khi tôi được học hành, không phải trước khi tôi thật sự trưởng thành. Tôi sẽ lấy chồng khi nào tôi muốn”.