Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ
Huyện Năm Căn trong nhiều năm qua là "điểm nóng" về tình hình sạt lở của tỉnh Cà Mau. Theo thống kê của ngành chức năng địa phương, dù chỉ mới bắt đầu mùa mưa hơn 1 tháng qua, nhưng đến thời điểm này, địa phương đã xảy ra 15 vụ sạt lở đất ở 4 xã Lâm Hải, Đất Mới, Tam Giang và thị trấn Năm Căn, với tổng chiều dài sạt lở gần 500m. Thiệt hại và hư hỏng hoàn toàn 6 căn nhà, 1 trạm xăng, làm hư hỏng 52m đường giao thông…với tổng giá trị thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng.
Cà Mau đang bắt đầu vào mùa mưa, đây là thời điểm thường xảy ra hiện tượng sạt lở, sụp đất ven sông nhất trong năm. Nguy hiểm hơn, hiện tượng sạt lở đất thường diễn ra vào ban điêm, diễn biến nhanh và phức tạp nếu như không có sự chuẩn bị ngay từ trước thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Ông Quách Miền, chủ cây xăng tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn cho biết: Nửa đêm gia đình đang ngủ thì bắt đầu đất rạn nứt, xé cửa…, hai vợ chồng ông kịp chạy ra thoát thân thì khoảng 10 phút sau cây xăng của gia đình đổ xuống sông. Theo như ông Miền cho biết, hàng ngày ông vẫn kiểm tra xem có vết nứt gì khác thường không vì đã có kinh nghiệm đối phó với lần bị sạt lở cách đây 5 năm, nhưng vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì. Vì thế, vụ việc lần này xảy ra quá bất ngờ, tổn thất của gia đình là vô cùng lớn với 2.700 lít xăng đổ xuống sông cùng 16 triệu đồng, 3 trụ bơm xăng…, ước tính tổng thiệt hại gần 500 triệu đồng.
Xã Lâm Hải với khu vực ngã ba Đầu Trà có nhiều voi vịnh, biên độ triều nơi đây rất lớn, nước chảy mạnh xoáy sâu lâu ngày gây nên sạt lở, sụp đất. Hiện tại, phần nền nhà còn lại của gia đình ông Miền cũng có nhiều vết nứt lớn, khả năng không bao lâu nữa sẽ sụp xuống. Gia đình ông Miền đang nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ phương tiện chở bồn xăng còn sót lại đến nơi an toàn.
Không chỉ ở các xã, mà ngay thị trấn Năm Căn, tình hình sạt lở cũng rất phức tạp. Tại đây, đã xảy ra vụ sạt lở đất vào cuối tháng 6 vừa qua với mức thiệt hơn hơn 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ khóm III, thị trấn Năm Căn, hộ kinh doanh vừa bị sụp nhà cho biết: Dù nhà ông được đóng cọc bê tông với chiều sâu gần 25m, nhưng khi sạt lở xảy ra, dàn cọc làm theo kiểu đà kiềng đó vẫn bị hụt chân, khiến toàn bộ căn nhà đổ ra sông chỉ chưa đầy 15 phút.
Qua tìm hiểu thực tế, khu vực này những năm gần đây đều xảy ra sụp lở đất, lại là khu vực tập trung đông dân cư buôn bán ven sông, chất chứa hàng hóa nhiều tạo nên sức nặng kết hợp với biên độ thủy triều lớn, nước chảy xiết, xoáy vào bờ lâu ngày. Hiện có khá nhiều nhà dân nơi đây đang bị nghiêng ra sông Kênh Tắc.
Dù rất sợ mỗi khi đến mùa mưa, nhưng khi hỏi có mong muốn được di dời đến nơi an toàn hơn không thì đa phần người dân nơi đây không mong muốn dời đi nơi khác. B à Nguyễn Ngọc Lan Anh, khóm 3, thị trấn Năm Căn cho biết: “Do gia đình đã quen với nếp sống và cách buôn bán từ cách đây 17, 18 năm nay. Quan trọng hơn là khách hàng đã quen với chỗ làm ăn buôn bán của gia đình nên sợ di dời đến chỗ khác khó làm ăn được. Di dời đến nơi khác thì phải đổi phương thức buôn bán hoặc đổi hẳn làm nghề khác, mà gia đình bà thì không biết làm gì ngoài nghề buôn bán ven sông như hiện nay. Do đó, cách tốt nhất mỗi khi đến mùa sạt lở là di dời hết tất cả đồ đạc, hạn chế tối đa thiệt hại”.
Ông Trịnh Văn Lên, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết: Hiện địa phương đang tập trung thực hiện hai giải pháp. Theo đó, giải pháp trước mắt là chỉ đạo các xã chủ động tuyên truyền người dân sống ở 20 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, có ý thức phòng tránh. Cụ thể là tuyên truyền cho người dân ban đêm không để cho người già, trẻ em ngủ trên nhà sàn; không được để các vật dụng nặng dưới mé sông. Đồng thời lãnh đạo các xã tập trung rà soát, đưa ra những cảnh báo kịp thời đến người dân địa phương, chủ động di dời sơ tán ngay khi có sạt lở xảy ra. Về lâu dài, huyện đã quy hoạch khu đất để bố trí, di dời các hộ dân vào nơi ở ổn định ở khóm 6, thị trấn Năm Căn, đặc biệt là khu tái định cư ở xã Tam Giang Đông, xã Lâm Hải, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
Dù nguồn quỹ đất địa phương đã có, nhưng hiện nay khó nhất vẫn là việc tỉnh chưa cân đối được nguồn vốn để triển khai dự án cho các khu tái định cư của địa phương. Điển hình như khu tái định cư Tam Giang Đông đã san lấp mặt bằng được 5ha nhưng hiện vẫn chưa xây dựng được các hạng mục cần thiết khác.
Bên cạnh đó, khu tái định cư mà huyện đã quy hoạch để di dời dân thì lại vướng mắc ở khâu thủ tục pháp lý. Ông Lên cho biết, theo quy định thì không thể giao quyền sử dụng đất mà không thu tiền sử dụng và phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng mới có thể giao đất cho người dân cần di dời. Đây là ràng buộc rất lớn, bởi đa phần người dân sống ở vùng có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng đều là dân nghèo và phần lớn đều thuộc diện di dân tự do, không có khả năng chi trả .