Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa: TL
Theo đánh giá của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, so với 10 năm trước, mức độ bão, lụt hiện nay nhiều hơn cả về cường độ lẫn số lượng. Đối với bão, nếu như trước đây thường xảy ra theo quy luật: khoảng tháng 5-7 xuất hiện ở vùng các tỉnh ven biển Bắc bộ, tháng 8-9 xảy ra ở ven biển Trung bộ, tháng 10-12 xảy ra ở Nam bộ nhưng bây giờ bão xảy ra bất thường.
Để phòng chống thiên tai, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị lãnh đạo tỉnh cần ưu tiên triển khai một số chương trình, dự án như: chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của tỉnh Bạc Liêu; chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu neo đậu tàu tránh trú bão và dự án nâng cấp đê biển Đông của tỉnh (Chương trình 667); thực hiện tốt Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng”. Bên cạnh đó, cần có dự án trang bị cho tàu thuyền hoạt động xa bờ hệ thống máy định vị qua vệ tinh để công tác quản lý, kiểm đếm tàu thuyền được thuận lợi, hạn chế tối đa thiệt hại khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức thống kê số lượng nhà, số người cần sơ tán tránh bão; lựa chọn địa điểm trú tránh bão, giúp dân chằng chống nhà cửa; thông tin kịp thời cho tàu thuyền trên biển về dự báo bão; tăng cường tuyên truyền ý thức phòng tránh bão lụt cho người dân…
Để góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, cần xây dựng và ban hành Luật Phòng chống và quản lý thiên tai. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi cá nhân, cộng đồng cũng như chính quyền trong công tác này. Song song đó, cần xây dựng các chiến lược cụ thể (trước mắt và lâu dài) cho công tác phòng chống và quản lý thiên tai trên phạm vi cả nước.
Riêng với Bạc Liêu, tỉnh cần khuyến khích và hỗ trợ mọi công dân, cộng đồng, các thành phần kinh tế cùng tham gia vào công tác chuẩn bị, bao gồm cả việc lập kế hoạch, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; đưa công tác này trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi thành phần kinh tế, của cộng đồng chứ không chỉ trông chờ vào Nhà nước. Tỉnh cũng cần xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai; thống nhất các đầu mối của hoạt động cứu trợ nhằm đơn giản hóa và tăng cường hiệu quả công tác này và nên giao cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh đảm nhận.
Trước mắt, Bạc Liêu đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống trao đổi, chia sẻ thông tin về thiên tai; trong đó, bao gồm cả các số liệu về thiệt hại, nhu cầu cần cứu trợ để mọi người, mọi tổ chức trong nước và quốc tế, cả các cơ quan báo chí, truyền thông có thể truy cập, chia sẻ nhằm đưa ra các giải pháp và hành động nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trước tình hình thiên tai phức tạp, Bạc Liêu đang xây dựng và hoàn thiện các bản đồ và cơ sở dữ liệu về lũ, ngập úng, sạt lở đất… tại những địa điểm, địa phương có mức độ rủi ro cao; xây dựng các mô hình ứng phó với thiên tai với đầu vào là số liệu thời tiết để có thể dự báo nguy cơ xảy ra thiên tai hay hiểm họa cho những vùng có tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Đồng thời, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng cho quản lý thiên tai, chủ động ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra.