Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa: TL
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng hoan nghênh việc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang phối hợp thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Chương trình đã cụ thể hóa những nội dung bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất gắn kết với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra những nông sản sạch bằng những hoạt động cụ thể như: Áp dụng kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP, kiểm soát dịch hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thu gom vỏ chai và bao bì tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường sống... Các đơn vị sẽ cùng nông dân tiếp tục đúc kết kinh nghiệm, những mô hình hay, cách quản lý phù hợp; có giải pháp khắc phục những tồn tại để tiếp tục đưa chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" đi vào đời sống, tạo hiệu ứng tích cực, nâng cao ý thức người dân, gắn kết phát triển sản xuất nông sản hàng hóa với bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sinh thái trong lành…
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam Lê Quốc Cường cho biết, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” được triển khai ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới tại 22 tỉnh, thành phía Nam với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang. Chương trình tập trung thực hiện 2 nội dung chính là: Ứng dụng gói kỹ thuật "3 giảm – 3 tăng" "1 phải 5 giảm", gieo sạ tập trung đồng loạt “né rầy” kết hợp “Công nghệ sinh thái” trồng hoa trên bờ ruộng dẫn dụ thiên địch giúp kiểm soát dịch hại – hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu; sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, súc rửa bao bì, thu gom phân loại và tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Từ khi triển khai vào năm 2012 đến nay, chương trình đã đào tạo được gần 300 giảng viên. Từ lực lượng nòng cốt này, chương trình thực hiện hơn 8.650 cuộc hội thảo, thu hút trên 364.000 lượt nông dân tham gia...Trong khuôn khổ chương trình, tổng diện tích thực hiện các mô hình đạt 2.648 ha , xây dựng được 214 hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Tham gia chương trình, nông dân thu gom gần 11.000 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng. Lượng rác thải này được đưa về tập trung tiêu hủy tại nhà máy Holcim (Kiên Giang), Công ty Cấp Thoát nước – Môi trường Bình Dương (Bình Dương), Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi (SDV- Đồng Nai) và nhà máy xử lý rác thải Ngọc Tân Kiên (Long An).
Tham gia chương trình, nông dân Nguyễn Văn Dũng, ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú (An Giang) cho biết: Ông được hướng dẫn canh tác theo khoa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, làm hố chứa bao bì và vỏ thuốc bảo vệ thực vật để thu gom đem đi xử lý…, đảm bảo được an toàn cho sức khỏe của người sản xuất. Đây là cách làm mới, góp phần nâng cao hiểu biết của nông dân về khắc phục ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, so với việc canh tác bình thường thì các mô hình trong chương trình đã giảm được chi phí sản xuất, nâng lợi nhuận cao hơn bình quân 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/ ha tùy nơi và trình độ sản xuất người nông dân. Ngoài ra, cái lợi lớn nhất và cũng là mục tiêu chương trình là đã chủ động ngăn ngừa tác nhân gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe .
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang Huỳnh Văn Thòn cam kết tiếp tục hỗ trợ nông dân nhân rộng các mô hình, góp phần tạo ra những nông sản sạch và môi trường sống không bị ô nhiễm.