Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tiền Giang là một trong ba tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tham gia dự án khí sinh học trung ương do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
Gần năm năm triển khai thực hiện, hơn 3.200 công trình khí sinh học được xây dựng cùng hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Dự án Khí sinh học trung ương được UBND tỉnh chấp nhận cho tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (đến năm 2011).
Dự án bảo vệ môi trường
Dự án Khí sinh học Trung ương chọn Tiền Giang tham gia dự án ngay từ giai đoạn 1, nhằm góp phần phát triển nông thôn thông qua việc sử dụng công nghệ khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho nông dân; đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm phát thải khí nhà kính...
Với mục tiêu thiết thực đó, dự án được UBND tỉnh Tiền Giang, các ngành các cấp có liên quan ủng hộ và các hộ chăn nuôi đồng tình. Từ năm 2003 đến năm 2007, dự án đã xây trên 3.200 công trình. Mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ một triệu đồng/công trình.
Theo đánh giá, các công trình khí sinh học được xây dựng trong thời gian qua vận hành tốt, chất lượng đảm bảo, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ phát triển kinh tế trang trại, mở rộng chăn nuôi.
Xây dựng công trình khí sinh học (hầm ủ biogas) ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. |
Theo tính toán của dự án, 3.200 công trình trên giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải từ chăn nuôi, xử lý chất thải từ 4.400 đến 7.500 tấn; giảm khí thải nhà kính ước tính tương đương từ 20.672 đến 38.144 tấn CO2/năm.
Bên cạnh đó, năng lượng từ khí sinh học còn thay thế được 5.250 tấn phế phẩm nông nghiệp làm chất đốt, 6.980 tấn củi, 110 tấn khí hóa lỏng/năm.
Ông Bùi Ngọc Phùng, Phó Giám đốc Dự án Khí sinh học tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Những năm đầu, dự án gặp không ít khó khăn do người dân chưa hiểu lợi ích từ công trình mang lại. Thời gian sau, người dân rất ủng hộ. Hiện nay, nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi ở nông thôn tại các địa phương còn rất lớn. Dự kiến, sau khi kết thúc dự án vào năm 2011, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh cho dự án tiếp tục duy trì theo hình thức xã hội hóa”.
Hiệu quả nhiều mặt
Ngoài tác dụng bảo vệ môi trường, các công trình khí sinh học còn được ứng dụng nhiều vào cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ. Theo đó, ga khí sinh học có thể sử dụng để đun nấu, chạy máy phát điện phục vụ sinh hoạt hàng ngày, góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí cho hộ gia đình.
Dự án đã tổ chức được một mô hình trình diễn sử dụng khí sinh học chạy máy phát điện công suất 3kw và tiết kiệm được từ 200.000 -300.000 đồng tiền điện/tháng.
Theo tính toán, bình quân mỗi hộ chăn nuôi có xây dựng công trình khí sinh học sẽ tiết kiệm 1,825 triệu đồng tiền đun nấu và thắp sáng trong một năm. Như vậy, với hơn 3.200 công trình trong toàn tỉnh đang vận hành có thể tiết kiệm được khoảng 5,8 tỉ đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, sau khi không còn khả năng sinh ra khí, chất bã thải khí sinh học còn được dùng vào việc bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, cải tạo môi trường nuôi thủy sản và làm thức ăn. Khi đó, bã khí sau khi thoát ra bể phân hủy là chất hữu cơ rất tốt và giàu chất dinh dưỡng bón cho cây ăn trái, rau, quả, nâng cao năng suất, chất lượng; giảm sử dụng lượng chất vô cơ; cải tạo lại đất bạc màu và môi trường nước ao hồ để nuôi cá; đồng thời có thể làm thức ăn bổ sung cho heo.
Cụ thể, trong các mô hình trình diễn sử dụng bã thải khí sinh học làm phân bón trên cam, bưởi, sầu riêng, cây thanh long, sơ ri, đu đủ, kết quả những cây trên có màu lá tốt bền lâu, giảm được 1/3 đến 1/2 lượng phân bón vô cơ bón cho cây trong một lần cho trái.
Trái cây thu hoạch có màu vỏ bóng đẹp, to và chất lượng trái tốt, sâu bệnh ít. Việc kết hợp công trình khí sinh học vào ao nuôi cá, dùng làm thức ăn trong chăn nuôi cũng cho hiệu quả rất tốt, giảm chi phí đầu tư thức ăn khoảng 10-14 phần trăm.
Nói về lợi ích của hầm khí sinh học mang lại, ông Nguyễn Ngọc Châu ở ấp Bình Hòa Đông, Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, hộ áp dụng khí sinh học để làm nguồn điện thắp sáng, chạy máy nổ, đun nấu, cho biết: “Với 40 con heo nái và 150 con heo thịt, hàng tháng tôi tiết kiệm được từ 200.000 đến 250.000 đồng tiền điện, 150.000 đồng tiền củi. Trung bình cả năm, tôi tiết kiệm từ 3,6 đến 4,2 triệu đồng. Nhưng điều quan trọng nhất của công trình mà chúng tôi quan tâm là không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế bệnh cho heo, giảm giá thành chăn nuôi”.
Còn ông Võ Văn Minh ở ấp Ruộng Cạn, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, áp dụng thử nghiệm sử dụng phụ phẩm khí sinh học bón cho vườn sơ ri 34 gốc của mình. Kết quả, trái sơ ri thu được có màu sắc tươi, to bóng, bán với giá cao, năng suất tăng 30 phần trăm; đồng thời tiết kiệm được khoảng 100.000 đồng/tháng (thay thế phân bón hóa học)...
Từ những ưu điểm và hiệu quả của dự án mang lại, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giám đốc dự án khí sinh học tỉnh Tiền Giang, đánh giá: “Dự án vừa bảo vệ môi trường, hạn chế hiệu ứng nhà kính lại vừa ứng dụng vào sản xuất như làm thức ăn cho vật nuôi, thủy sản; dùng làm phân bón cho cây trồng... Những ứng dụng này không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân, mà còn có thể áp dụng tốt trong quy trình sản xuất rau, quả an toàn”.
(Theo Báo Cần Thơ)