Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội, diễn ra vào ngày 7-7, liên quan đến kết luận thanh tra về trồng và thay thế cây xanh trên địa bàn TP, UBND TP Hà Nội đã công bố trả lời ý kiến cử tri về đề nghị báo cáo kết quả xử lý sau kết luận thanh tra, cơ chế kiểm soát việc trồng, thay thế cây mới.
Nghiêm túc rút kinh nghiệm
Theo đó, UBND TP Hà Nội thừa nhận chặt hạ, dịch chuyển cây xanh là việc nhạy cảm, tác động tới cuộc sống, tâm tư, tình cảm của nhân dân nhưng thông tin tuyên truyền chưa đầy đủ, rõ ràng; chưa tổ chức xin ý kiến đông đảo nhân dân, các nhà khoa học; một số tiêu chí thực hiện cấp phép chặt hạ, trồng mới cây xanh đô thị chưa rõ ràng, còn thiếu sót.
TP Hà Nội đang tìm loại cây phù hợp để thay cho cây mỡ đang trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Qua vụ việc trên, UBND TP Hà Nội đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và chỉ đạo xử lý, kỷ luật đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ban Cán sự Đảng UBND TP đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn TP; chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, tồn tại và có hình thức kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân lãnh đạo sở, đơn vị trực thuộc để xảy ra thiếu sót, tồn tại.
Tuy nhiên, văn bản trả lời chất vấn của UBND TP Hà Nội vẫn chưa nêu cụ thể hình thức kỷ luật đối với những cán bộ liên quan đến sai phạm trong thực hiện đề án cải tạo cây xanh.
Đang tìm cây phù hợp
Một trong những nội dung được đưa ra tại kết luận thanh tra về Đề án cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội mới đây là đã khẳng định 400 cây “vàng tâm” được trồng mới trên phố Nguyễn Chí Thanh thực chất là cây mỡ. Giới chuyên gia cho rằng đây là loại cây không thích hợp để trồng ở một đô thị như Hà Nội. Thực tế cho thấy số cây mỡ trên không phát triển, có dấu hiệu chết khô. Do đó, Hà Nội đã có chủ trương thay những cây mỡ bằng loại cây khác vào thời điểm thích hợp.
GS-TS Ngô Quang Đê, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng tất cả những cây đã trồng thành công tại Hà Nội như sấu, muồng, dái ngựa, bằng lăng, đều có thể trồng tiếp. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các loại cây mới để bảo đảm đa dạng sinh học và phát triển sinh thái bền vững.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đề án trồng, thay thế cây xanh vừa qua được thực hiện quá vội vã dẫn đến việc trồng rồi phải trồng lại. Dù sử dụng nguồn vốn xã hội hóa nhưng điều này gây tốn kém rất lớn. Do đó, sau khi rút kinh nghiệm và triển khai kế hoạch mới, TP Hà Nội cần thận trọng xem xét, thử nghiệm để trồng thành công các loại cây thích hợp, tránh làm đi làm lại.
Dán tem xe đã đóng phí sử dụng đường bộ
Theo UBND TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm, TP đã thu được gần 3 tỉ đồng phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Tuy nhiên, tỉ lệ thu đạt khá thấp so với số lượng xe trong thực tế.
UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, các bộ nghiên cứu ban hành mẫu tem dán vào những xe máy đã nộp phí sử dụng đường bộ để thuận lợi trong công tác quản lý, bổ sung các chế tài xử phạt đối với các trường hợp không đóng phí.
Ng.Quyết