Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
“Cụ” đa ở Phụng Sơn tự trăm năm đứng hứng gió sông
“Cụ” đa ở Phụng Sơn tự được cho rằng có tuổi thọ 300 trăm năm.
Cây đa phía sau Phụng Sơn tự (đường Cách Mạng Tháng 8, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) có cành lá xum xê và rậm rịt. Bóng cây cao lớn che mát cả nửa sân chùa. Gốc và rễ đa buông lòng thòng, chằng chịt tạo thành một diện tích lớn khoảng 20m2. Dưới gốc đa có ngôi miếu thờ thần Thụ Da (tên thần cây đa), quanh năm hương khói, phảng phất nét hoang sơ, trầm mặc. Phụng Sơn tự là Hội quán của người Hoa bang Phúc Kiến tại Biên Hòa. Nơi đây thờ ông Quảng Trạch, tương truyền ông xuất thân ở vùng Phụng Sơn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), giúp dân dẹp loạn. Sau khi chết hiển linh thành thần bảo vệ dân làng nên dân suy tôn là Quảng Trạch vương, thành tâm thờ cúng và bái vọng.
Từ lâu, ông Lôi Thành, phó ban trị sự Phụng Sơn tự, cất công tìm hiểu sự tích, lai lịch, nguồn gốc cũng như tuổi thọ của “cụ” đa trong chùa. Ông cho biết nguyên sơ Phụng Sơn tự chỉ là một cái một am nhỏ lập vào năm 1935. Qua sử sách lưu trữ, khi lập am thì đã thấy có cây đa cổ thụ mọc sừng sững bên mé sông Đồng Nai tự bao đời. Quan niệm của người xưa chọn địa thế xây cất đình, chùa, miếu mạo thường theo “bộ ba” : cây đa, bến nước, mái đình. Theo nhận định của ông Thành thì cây đa Phụng Sơn tự có tuổi thọ khoảng...300 tuổi. Tuy nhiên, ông Thành cũng nói thêm rằng đó chỉ là “ước lượng” theo cảm quan, vì thực tế muốn xác định tuổi thọ của cổ thụ phải căn cứ vào phương pháp khoa học và phương pháp tin cậy nhất là đếm số vòng tròn cắt ngang thân cây.
Và cho dù chưa có ai xác định tuổi thọ chính xác cây đa Phụng Sơn tự nhưng trong ký ức của bao lớp người Biên Hòa thì “cụ” đã gắn bó của họ với nhiều kỷ niệm ban sơ, ngồi ven sông Đồng Nai nhâm nhi ly cà phê, nhìn tán lá cây đa to khỏe tựa như những bàn tay người khổng lồ vươn rộng ra tận khúc sông.
“ Cụ” cây dầu 300 tuổi ở chùa Hoàng Ân Cù Lao Phố
“Cụ” dầu 300 tuổi ở chùa Hoàng Ân (Cù Lao Phố), đường kính thân cây “khổng lồ” phải từ 3 vòng tay người lớn mới ôm hết
Du khách đến vãn cảnh chùa cổ Hoàng Ân (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) sẽ rất ngạc nhiên xen lẫn thích thú tận mắt nhìn thấy một cây dầu cổ thụ cao ngất ngưỡng vươn vút lên trời xanh, đường kính thân cây phải từ 3 vòng người lớn ôm mới hết.
Khi được hỏi về nguồn gốc của “cụ” cây dầu, trụ trì Thích Nữ Huệ Tâm nhiệt tình chia sẻ: Vào năm Kỷ Dậu (1729), thiền sư phái Lâm Tế đến khai sơn tạo dựng ngôi chùa Hoàng Ân thì xung quanh đất chùa đã có mọc sẵn nhiều cây dầu như thế. Trải qua sự xáo động của thổ nhưỡng, cuối cùng trong đất chùa chỉ còn sót lại duy nhất cây dầu cao lớn này. Ni sư quan niệm : “ Cây gạo có ma, thì cây đa có thần” nên dưới gốc dầu quý hiếm, nhà chùa có xây một cái am nhỏ thờ “cụ” và căn dặn người nhà chùa tuyệt đối không được...đóng đinh hay dùng dao, cưa xâm phạm. Do được nhà chùa bảo quản và chăm sóc rất tốt nên “cụ” phát triển rất khỏe khoắn và xanh tươi để mãi là chứng nhân sống động của vùng đất Biên Hòa xưa, thời cha ông xuôi thuyền, mang gươm về phương Nam mở cõi.
Cây si 110 tuổi che mát cho các liệt sĩ.
Cây si 110 tuổi, mọc tự nhiên trong khu du tích lăng mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh gần cầu Suối Linh (P. Long Bình, TP.Biên Hòa quanh năm đứng che mát và ru giấc ngủ của các liệt sĩ.
Trong khuôn viên khu di tích lịch sử cấp quốc gia lăng mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh gần cầu Suối Linh(Quốc lộ 1A, P. Long Bình, TP.Biên Hòa) có một cây si cổ thụ mọc tự nhiên rất lớn, che mát cho toàn bộ khu di tích này. Theo lời ông Nguyễn Văn Cầu, trưởng ban quý tế đình thần Đoàn Văn Cự qua tài liệu ghi chép lại vào ngày 12 tháng 4 năm 1905, lính Pháp huy động lực lượng bất ngờ đánh úp vào chiến khu Bưng Kiệu để tìm, tiêu diệt và bắt sống thủ lĩnh "Thiên Địa Hội" Đoàn Văn Cự cùng tùy tùng. Do bị động, không kịp thời điều quân đối phó và để không bị sa vào tay giặc, ông Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa sĩ trung thành tuẫn tiết. Dân gian truyền rằng: Sau khi ông Cự hy sinh, hàng ngàn con châu chấu bay lại bu quanh xác ông không cho quân Pháp đem đi thủ tiêu. Nhân dân Biên Hòa bí mật đem 17 xác chôn tập thể, đắp thành ngôi mộ lớn. Sau vài ngày, bỗng dưng nơi đầu mộ có một cây si mọc lên và cứ thế lớn dần theo năm tháng. Trước năm 1975, ngôi mộ nằm trong căn cứ quân sự Long Bình của quân đội Mỹ, nhà cầm quyền bấy giờ mang xe ủi tới để "giải phóng" ngôi mộ và “bứng” gốc cây si. Xui khiến sao các phương tiện cơ giới đều bị hư hỏng và người ngồi trên xe bị...chết bất đắc kỳ tử mà không rõ nguyên nhân.
Đến khu mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, "nghĩa trang liệt sĩ" đầu tiên ở Biên Hòa, đốt 17 nén nhang thắp lên phần mộ của những tấm gương can liệt, những con người nông dân đầu trần, chân đất mà khi chết đi rồi vẫn còn bừng bừng hào khí Trấn Biên trăm năm của cha ông. Ngồi dưới gốc si già trăm tuổi, ta sẽ rất rõ trong tiếng gió xào xạc thổi qua là những tiếng thở dài trăn trở, đau đáu của người xưa vì nghiệp lớn không thành mà vong thân, để rồi đành ngậm ngùi ngàn năm nằm mãi vào lòng đất mẹ Đồng Nai.
Cây đa trước đình Tân Lân( đường Nguyễn Văn Trị, P. Hòa Bình) trồng năm 1910, của tiền nhân trồng để lại cho hậu thế.
Ngoài ra, ở Biên Hòa cũng có nhiều cây xanh được tiền nhân trồng để lại cho hậu thế như : cây đa trước đình Tân Lân (đường Nguyễn Văn Trị, P. Hòa Bình) trồng năm 1910, cây bồ đề trước cổng chùa Đại Giác ( xã Hiệp Hòa, Biên Hòa) trồng năm 1939,... Tất cả các cây cổ thụ còn tồn tại đến ngày nay đều là "cây di sản" rất cần được mọi người quan tâm, gìn giữ.