Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trong sự kiện này sẽ có buổi Tọa đàm về phụ nữ và Tình yêu – Hạnh phúc với sự tham gia của các diễn giả: nhà thơ Trần Đăng Khoa, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, nhà văn Di Li. Dẫn chương trình: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
“Cái gã Tây kia bình thường quá thể, sao lại cưới được hẳn một cô người mẫu/diễn viên/ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Ghen tị quá!” (Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt – Di Li, NXB Phụ nữ, 2015)
“Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt” là 24 câu chuyện hài hước về những siêu tưởng của phụ nữ về đàn ông, và của đàn ông về phụ nữ. “Những hotboy ế vợ”, “Hết duyên nhưng vẫn còn tình”, “Đàn ông hoàn hảo”, “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt”... và các câu chuyện khác là sự lật ngược hoàn toàn vấn đề của tác giả đối với những quan niệm thường thấy trước nay của số đông. Nhà văn Di Li chia sẻ: “Trong sự thất bại về tình yêu và hôn nhân, lý do duy nhất là người ta không thể hiểu được chính bản thân mình và người khác. Tôi chỉ lý giải điều này, bằng những câu chuyện vui, nhưng dấu chấm kết của mỗi câu chuyện thường đem lại cho tôi một nụ cười buồn”. Có thể nói, với giọng văn hài hước, hóm hỉnh, tác giả như trò chuyện, tâm tình, chia sẻ những khúc mắc trong đời sống hằng ngày, giúp người phụ nữ biết yêu bản thân hơn, tìm lại chính mình và đàn ông thêm hiểu phụ nữ để cùng họ xây dựng và vun đắp mái ấm gia đình. Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt giúp mỗi người phụ nữ biết yêu bản thân, yêu thương bạn đời để cùng nhau bước tiếp trên hành trình hạnh phúc. Đặc biệt, với những minh họa theo phong cách châm biếm của họa sĩ cừ khôi Dũng Choai, đảm bảo cầm cuốn sách lên, bạn sẽ không thể nín được cười cho đến khi đặt xuống.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa bình luận về cuốn sách: “Chuyện của mỗi người, mỗi nhà, rất thân thuộc với người đọc, lại được lý giải, mổ xẻ sắc lẹm và thông minh của một cây bút có kiến thức sâu rộng và lịch lãm. Viết báo mà dựng được nhân vật, đưa ra những tuýp người điển hình của xã hội, điều chỉ thấy ở những nhà văn có tài, thông qua những truyện ngắn hay những cuốn tiểu thuyết dày dặn, đặc sắc, nhưng với Di Li thì chỉ cần một bài báo ngắn, phong phanh chỉ vài trăm chữ cũng đã đủ giúp chị làm được điều ấy. Đó là cái tài đặc biệt của Di Li.Và cuốn sách này hấp dẫn người đọc cũng vì thế…”
Còn chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng: Đề tài trong các câu chuyện của Di Li không mới, nhưng nó cho người đọc “nhận thức lại vấn đề” tưởng như đã thành “công thức”. Nói đến cô gái Việt lấy chồng Tây, người ta nghĩ đến cô nàng ham của, chuộng ngoại, sĩ diện, thậm chí có người còn ác khẩu, cho rằng cô gái ấy ham Tây vì “của Tây to”. Nhưng đọc xong chuyện “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt”, bạn sẽ “Đổi mới tư duy”. Tôi đã cười một mình khi Di Li viết: “Cái gã Tây kia bình thường quá thể, sao lại cưới được hẳn một cô người mẫu/diễn viên/ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Ghen tị quá!”.
Nhà văn Di Li hiện là giảng viên Văn hóa Anh-Mỹ tại trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, giảng viên môn Quan hệ công chúng tại ĐH Hoà Bình. Hội viên Hội Nhà văn Châu Á-Thái Bình Dương. Chị đã có 25 đầu sách bao gồm cả sách văn học, sách chuyên ngành và sách dịch.