Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hậu Giang: Cá nổi đầu hàng loạt tại huyện Vị Thủy là do ô nhiễm nguồn nước

(21:38:07 PM 02/07/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 2/7, ông Ngô Quốc Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang cho biết: Qua kết quả phân tích mẫu nước, bước đầu xác định nguyên nhân cá nổi đầu hàng loạt trên một số tuyến kênh ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang) là do chất lượng nguồn nước không đảm bảo, cá bị thiếu oxy cục bộ, nhất là vào lúc sáng sớm. Mặt khác, nguồn nước quá đục do có nhiều vật chất hữu cơ lơ lửng làm cản trở sự hô hấp của cá.

Hậu Giang: Cá nổi đầu hàng loạt tại huyện Vị Thủy là do ô nhiễm nguồn nước

Ảnh minh họa:TL


Cụ thể, các loài cá nổi đầu lờ đờ trên mặt nước chủ yếu là những loài thuộc nhóm cá trắng, có ngưỡng oxy cao (cá mè vinh, cá chốt, cá lòng tong…). Đáng nói là nguồn nước dưới các tuyến kênh Hai Đầy, Hai Cừ, Lộ Làng, Hai Lai, Cựa Gà, Mương Lộ… hiện nay rất đục, chỉ tiêu DO đo tại hiện trường là 2,6-2,7 mg/l, thấp hơn giới hạn để bảo vệ đời sống thủy sinh vật.

Theo Chi cục Thủy sản Hậu Giang, nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay nông dân huyện Vị Thủy cũng như tỉnh Hậu Giang đang vào mùa thu hoạch chính vụ lúa hè thu, lượng rơm rạ thải ra ruộng khá nhiều, kết hợp với mưa nhiều trong những ngày qua làm cho chất lượng nước trên ruộng rất kém. Trong khi đó, người dân lại xả nước trực tiếp từ ruộng ra kênh, rạch làm ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá nổi đầu hàng loạt.

Trước tình trạng trên, Chi cục Thủy sản khuyến cáo bà con nuôi thủy sản không lấy trực tiếp nước từ nguồn nước đang bị ô nhiễm vào ao nuôi; sử dụng một số sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản như: men vi sinh, zeolite... để cải thiện chất lượng nước ao nuôi, hạn chế thay nước; nên có ao chứa để lắng và xử lý nước bằng vôi, thuốc tím hoặc các sản phẩm có tác dụng xử lý nước như Virkon A, Fresh water, Iodine… trước khi đưa vào ao nuôi. Đối với hình thức nuôi lồng vèo đã đến thời điểm thu hoạch, cần tiến hành thu hoạch ngay; trường hợp chưa thể thu hoạch thì tăng cường sục khí và có biện pháp xử lý nước phù hợp hoặc di chuyển cá nuôi vào trong ao để tránh gây thiệt hại. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt việc cho ăn nhằm giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường ao nuôi; đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung vitamin C vào khẩu phần ăn của cá…

Hậu Giang có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 10.000 ha, chủ yếu là nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, gần đây kỹ thuật sản xuất lúa của người dân không phù hợp, sử dụng nhiều thuốc hóa học, phân bón, phế phẩm sau thu hoạch làm ô nhiễm nguồn nước… gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Trước đó, những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, tại nhiều tuyến kênh trên địa bàn huyện Vị Thủy xuất hiện tình trạng cá nổi đầu hàng loạt. Theo người dân sinh sống ở đây, cá nổi nhiều là hiện tượng chưa từng có ở địa phương. Chi cục Thủy sản phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hậu Giang và Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Nông nghiệp huyện Vị Thủy tiến hành khảo sát thực tế tại tuyến kênh có cá nổi đầu; đồng thời, đo chỉ tiêu DO (oxy hòa tan) tại hiện trường và thu mẫu nước để phân tích một số chỉ tiêu chất lượng nước khác như COD, BOD5, TSS, nitrit, nitrat, NH3, PO4 và tổng dầu mỡ động thực vật…

Huỳnh Sử