Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ban soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin họp lần thứ nhất -Ảnh: TL
Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ, Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin mới nhất do Bộ Tư pháp đưa ra mới đây vẫn chưa bảo đảm đầy đủ quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đó là nhận định của Nhóm làm việc Vì sự tham gia của người dân (PPWG) sau khi tham vấn các tổ chức xã hội và các chuyên gia về Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp soạn thảo.
Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều 25, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Các cuộc tham vấn với các chuyên gia về luật pháp và quyền con người và các tổ chức xã hội, những tổ chức rất gần với người dân, cho thấy các cơ quan Nhà nước thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa đầy đủ, việc này làm giảm niềm tin giữa người dân và Nhà nước.
Luật Tiếp cận thông tin, nếu đảm bảo được quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể, chắc chắn sẽ đóng góp rất lớn vào thúc đẩy sự tham gia của người dân trong quản trị nhà nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, và cải thiện cuộc sống của người dân. Vì vậy, PPWG cho rằng một Luật Tiếp cận thông tin tốt cần đảm bảo được xây dựng dựa trên cách tiếp cận quyền con người. Dự thảo Luật cũng cần thể hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Một trong những vấn đề của Dự thảo Luật hiện tại còn khiến nhiều chuyên gia và các tổ chức xã hội băn khoăn, đó là Dự thảo chưa thể hiện được nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử đối với các nhóm dễ bị tổn thương trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là trẻ em, dân tộc thiểu số và những người bị hạn chế tự do. Ngoài ra, nguyên tắc công khai tối đa, bí mật là ngoại lệ cũng chưa được đảm bảo trong Dự thảo. Điều này hết sức quan trọng vì nó thúc đẩy các chủ thể cung cấp thông tin như cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ sử dụng nguồn lực công phải minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trước yêu cầu của xã hội. Dự thảo cũng cần đưa ra được cơ chế hiệu quả để thực thi đầy đủ quyền tiếp cận thông tin bằng việc thiết lập một cơ quan chuyên trách độc lập có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện, giám sát thực thi và giải quyết khiếu nại liên quan đến tiếp cận thông tin.
Với mong muốn Nhà nước tôn trọng và thực thi đầy đủ các quyền con người và tự do cơ bản của mỗi cá nhân và người dân, PPWG đã gửi các khuyến nghị với các đề xuất sửa đổi cụ thể tới Ban soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin của Bộ Tư pháp ngày 27/6 vừa qua. Bà Ngô Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ, một thành viên của PPWG, nói: “Thông tin là oxy của nền dân chủ”. Việc hình thành một khuôn khổ pháp lý tốt để quyền tiếp cận thông tin được thực thi đầy đủ tại Việt Nam sẽ thúc đẩy người dân tham gia quản trị nhà nước hiệu quả, góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức và phòng chống tham nhũng, tạo niềm tin giữa người dân và các cơ quan nhà nước”.
PPWG là một nhóm làm việc gồm gần 300 tổ chức và cá nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực phát triển được hình thành từ năm 1999. Đây là mạng lưới hoạt động như một diễn đàn dành cho các tổ chức và các cá nhân, bao gồm các nhà tài trợ, cán bộ Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia…nhằm trao đổi thông tin và các ý tưởng về các vấn đề liên quan tới sự tham gia của người dân, thực hành dân chủ cơ sở và xã hội dân sự. Mục đích của PPWG là thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.