Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sợ trái cây có độc - người dùng tìm cách tự cứu

(14:13:46 PM 25/06/2015)
(Tin Môi Trường) - Lo ngại về việc những thứ rau, củ, quả hằng ngày mà gia đình mình đang sử dụng bị ngấm những chất độc hại, nhiều người đã tìm đến những thiết bị đo nồng độ nitrat để kiểm tra. Thị trường những loại máy này khá nhộn nhịp và sau khi sử dụng, nhiều người đã “ngã ngửa” khi phát hiện ra nồng độ chất độc hại cao hơn bình thường nhiều lần.

 Sợ trái cây có độc - người dùng tìm cách tự cứu

hoa quả nhập khẩu bày bán tại Hà Nội

 

Tìm cách tự cứu mình


Chị Lê Thị Vân Anh (45 tuổi, ở chung cư CD5 - Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Hôm rồi tôi có đọc trên Facbook và các diễn đàn nghe nói về một thiết bị có thể phát hiện ra nitrat - một loại chất có hại. Thế là tôi tìm mua, hóa ra những thiết bị này không khó mua, thậm chí còn được rao bán đầy trên mạng”.


Lo cho gia đình, chị Vân Anh đã quyết định bỏ ra khoản tiền hơn 3 triệu đồng để mua thiết bị có tên S do Nga sản xuất. Điều bất ngờ là khi đem ra “đo” với một số loại trái cây có trong nhà, chị Vân Anh mới “ngã ngửa”. Theo hướng dẫn, nồng độ nitrat cho phép ở dưa hấu là 60mg/kg nhưng khi đưa thiết bị vào thử, sau 20 giây, màn hình từ xanh lá cây đã chuyển sang màu đỏ và hiển thị dòng chữ “Dangerous concentration of nitrates”, tạm dịch là nồng độ nitrat ở mức nguy hiểm. Con số hiển thị trên máy rất rõ ràng: 150mg/kg tức là gấp 3 lần mức cho phép. Ngay lập tức tất cả các loại hoa quả có trong tủ lạnh được đưa ra “đo”. “Kết quả là hầu hết những thứ tôi đang ăn hằng ngày đều có lượng nitrat cao hơn nhiều lần mức an toàn trên máy đo. Ví dụ cà chua, hàm lượng cho phép là 150 thì máy đo 183, dưa lê hàm lượng cho phép là 150 thì máy cho kết quả 218, chanh thì có hàm lượng nitrat gấp đôi. Chỉ có chuối và khoai lang mang từ dưới quê lên là đúng chuẩn cho phép. Tôi thật sự hoang mang”.


 Sợ trái cây có độc - người dùng tìm cách tự cứu

Thiết bị đo nồng độ nitrat được người tiêu dùng mua về để thử độc rau quả. Ảnh: KỲ ANH - H.L 

 

Quảng cáo nhiều, nhưng đúng bao nhiêu?


Một “cơn sốt” thật sự về việc lùng mua những thiết bị đo nồng độ chất độc lan truyền trên mạng xã hội. Đi kèm với thiết bị trên là những lời quảng cáo khá “ngọt ngào” như chỉ sau 20 giây là có thể phát hiện được dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng.


Thực tế hầu hết các máy đo hiện nay là đo nồng độ nitrat. Theo các nghiên cứu, nitrat là dạng chất đạm hiện diện trong cây rau, quả. Sử dụng lượng nitrat ít hoặc vừa đủ, giúp cho cây rau quả nhìn tươi, đẹp mắt. Nhưng khi dư lượng nitrat vượt quá tiêu chuẩn sẽ rất nguy hiểm.


Trao đổi với pv, tiến sĩ Nguyễn Tuyết Thu (Trường Đại học KHTN - ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Theo các tài liệu đã công bố thì tác hại của dư lượng nitrat trên cơ thể là khá lớn, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, gây nguy cơ ngộ độc thai ngén và trẻ em bị bệnh thiếu máu. Với người trưởng thành thì có thể dẫn đến ung thư dạ dày và ung thư gan”. Tiến sĩ Thu cũng cho rằng, việc xác định hàm lượng nitrat trong rau quả là một việc phức tạp và cần có nghiên cứu để ra con số chính xác chứ không thể khẳng định ngay sau khi thử bằng thiết bị đo nitrat của Nga.


Theo Thông tư 68/2010/TT-BNNPTNT ngày 3.12.2010 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với một số sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, sản xuất lưu thông trong nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” thì chỉ số nitrat chỉ được cảnh báo, giới hạn ở một vài loại rau chứ không đề cập tới các loại củ, quả.


 Sợ trái cây có độc - người dùng tìm cách tự cứu

Thiết bị đo nồng độ nitrat được người tiêu dùng mua về để thử độc rau quả. Ảnh: KỲ ANH - H.L  

 

2.000 chất độc hại nhưng chỉ kiểm nghiệm được 600 chất


Trước thông tin về việc người tiêu dùng đổ xô đi mua những loại máy test nhanh chất độc hại trong hoa quả, ông Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm VSATTP quốc gia - nói: “Những máy thử chỉ mang tính test nhanh, nếu nghi ngờ sẽ mang về các phòng xét nghiệm làm cụ thể. Hiện nay, trên 2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, nhưng hiện Việt Nam chỉ mới kiểm nghiệm được 600 chất. Với một thiết bị chỉ xét nghiệm nhanh một chất nào đó không có nhiều ý nghĩa”.


TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết: “Hiện tại Cục An toàn thực phẩm đã nhận được một số hồ sơ đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, cục cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành cho 22 bộ xét nghiệm nhanh, trong đó có 1 bộ xét nghiệm nhanh dạng máy đo (bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi)”. Tiến sĩ Phong thông tin thêm: “Bộ xét nghiệm nhanh có thể phát hiện sàng lọc sự có mặt của nitrat trong một số sản phẩm rau, củ, quả, thịt tươi. Tuy nhiên, kết quả thu được từ thử nghiệm bằng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, để khẳng định đạt hay không đạt cần phải có các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm”.


Như vậy, dù bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho máy đo nồng độ nitrat thì người tiêu dùng vẫn chưa thể yên tâm, bởi thiết bị đó chỉ đo được 1 trong tổng số 2.000 chất độc hại, hơn nữa nó chỉ mang yếu tố tâm lý hơn là giá trị thực.


Nhưng hiện tại, khi hoa quả tẩm chất độc hại vẫn được bày bán tràn lan, không được kiểm định chặt chẽ thì người tiêu dùng vẫn phải “tặc lưỡi” mà không biết mình đã ăn phải loại chất độc hại nào.

 

 

 Giáo sư Trần Hồng Côn - giảng viên hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội


Đối với những thiết bị xét nghiệm cá nhân chỉ mang tính thử, nghi vấn để khi có nghi ngờ thì mang đến các phòng xét nghiệm. Theo tôi, nếu chỉ xét nghiệm được một chất nitrat thì người tiêu dùng nên cân nhắc, bởi vẫn còn nhiều chất khác cần thiết hơn, nguy hiểm hơn cần xét nghiệm

ANH KHOA - LỆ HÀ (LĐ)