Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trải qua bao cuộc biến thiên và dâu bể, có cái cù lao đã "biến" mất bởi sự tác động của thiên tai hoặc nhân tai. Ví dụ như : Cù lao Cồn Gáo (nằm gần cầu Hòa An hiện giờ), cù lao Heo (hay còn gọi là Cồn Cát, nằm gần bền đò An Hảo hiện giờ). Tuy nhiên, cũng vẫn còn rải rác khắp khúc sông có những cái cù lao "trơ gan" cùng với thời gian. Cù lao Cỏ, là một trong những cái cù lao hiếm hoi còn sót lại và "trơ gian" như thế cùng sóng nước sông Đồng Nai.
Điểm đầu cù lao Cỏ nhìn từ hướng bên bên bờ phường Thống Nhất (Biên Hòa)
* Cù lao Cỏ - Cơ hội "đánh thức" tiềm năng du lịch trên sông?
Vị trí cái cù lao này được xác định là nằm trên khúc sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai, đoạn chảy qua phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Cách bên bờ phường Thống Nhất (bờ tả) khoảng 150m và cách bên bờ Cù Lao Phố (xã Hiệp Hòa, bờ hữu) khoảng 650m. Hiện tại, cái cù lao nằm lẻ loi giữa sông chỉ có 6 hộ nhưng trong đó chi có 3 hộ còn thường trú, 3 hộ còn lại vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan đã rời bỏ mảnh đất nhỏ cù lao này đi vào đất liền sinh sống. Do vậy, bây giờ trên cù lao này có 4 căn nhà xây kiên cố bị bỏ hoang, không ai ở. Điều này đã góp phần tạo nên khung cảnh hoang sơ, tiêu điều của cái cù lao vốn đã ít người dân Biên Hòa "để ý " tới.
Theo lời bà Tư Đoán, năm nay 64 tuổi, một hộ dân sống "kỳ cựu" nơi đây lý giải cái tên cù lao Cỏ chắc là do lúc trước trên cái doi đất này mọc rất nhiều cây cỏ mật, mọc thành trảng, thành rừng. Chính người ba chồng bà Tư Đoán là người đầu tiên lội qua doi đất giữa sông này khai hoang và cất nhà sinh sống. Diện tích đầu tiên khai phá là khoảng 7 héc ta. Cho nên có một thời người ta gọi cù lao Cỏ là cù lao Bảy Mẫu. Khi bà Tư Đoán về đây làm dâu, ban đầu trên cù lao chỉ có hai hộ dân, sau này nhà bên chồng bà Tư Đoán cắt đất bán dần và chia nhỏ cho những người bên kia sông có nhu cầu mua để đến đây lập nghiệp. Tạo thành một "xóm nhỏ" cự ngụ hiu quanh trên đoạn sông Đồng Nai.
Phần lớn những hộ dân còn lại đến bây giờ trên cù lao Cỏ chủ yếu sinh nhai làm nghề chài lưới, đánh bắt cá và nuôi cá bé trên sông là chính. Còn lại thì chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc trồng cây ăn trái nhưng không có hiệu quả vì đất trên cù lao này không phù hợp với bất cứ loại cây trái nào.
Anh Phạm Văn Hà, người dân sống trên cù lao Cỏ từ năm 1978 cho biết: Khoảng năm 2009 anh có nghe phong phanh dự án du lịch sinh thái rất lớn sẽ đầu tư trên cù lao. Cũng có vài người đến khảo sát, điều nghiên, đo đạc, ghi chép. Đoàn khảo sát du lịch đến 1-2 lần rồi đi..."mất dạng"(!?). "Chắc có lẽ họ cũng nhắm cái hướng không sinh lời và hiệu quả gì cho lắm khi làm du lịch sinh thái trên đất cù lao Cỏ này vì hiện tại nhìn tổng thể cù lao sẽ thấy rõ có ba cái "không" : không điện, không nước sạch, không cầy cầu bắt qua. Muốn làm du lịch bên đây, thì trước hết người ta phải "xóa" 3 cái không đó thì may ra.... Do đặc thù vị trí địa lý cù lao Cỏ nằm cách xa bờ sông, lại có dòng nước chảy xiết nên muốn làm cái gì cũng khó...", anh Hà bày tỏ ý kiến của mình.
Tuy nhiên,cũng theo lời anh Hà thì thỉnh thoảng vẫn có vài người khách lạ ở Biên Hòa hay TPHCM đi thành nhóm nhỏ tự phát "bơi" ra cù lao Cỏ thuê ghe nhà anh Hà nhờ chở lòng vòng tham quan bé cá Tân Mai, bè cá Hiệp Hòa rồi mới trèo lên Cù lao thăm thú, dạo mát, hái trái cây ăn. Hiện tại, trên cù lao còn tồn tại một số loại cây ăn trái cổ thụ do người đời trước trồng để lại cho con cháu như : cây hồng nhung, cây dâu da, cây me, cây mận...quanh năm sai trái trĩu cành.
Điểm cuối cù lao Cỏ nhìn từ hướng bên kia bờ cù lao Phố (xã Hiệp Hòa)
* Cù lao Cỏ đang bị sạc lở và ngày càng bị thu hẹp dần.
Ông Nguyễn Văn Mau (Năm Mau, 65 tuổi) chia sẻ với chúng tôi về cù lao Cỏ đang có dấu liệu sạc lở và thu hẹp dần. Bằng chứng diện tích đất nhà chú theo sổ đỏ là hơn 1.200m2 mà bây giờ nếu có đo đạc lại chỉ còn khoảng chưa tới 1.000m2. Nguyên nhân sạc lở chính lo tệ nạn khai thác bừa bãi tài nguyên cát trên sông Đồng Nai thiếu sự kiểm tra và kiểm soát triệt để.
Anh Thành (con trai ông Năm Mau) tiết lộ với chúng tôi tệ nạn "cát tặc" :"Vào ban ngày các ghe bơm hút cát đậu trong các lùm cây ven các rạch nhỏ hoặc chen chúc trong khu vực bè cá giáp ranh hai phường Thống Nhất và Tân Mai. Hàng đêm, từ khoảng 21 giờ 30 trở đi, có khoảng 3 ghe từ hướng phường Tân Mai đến hút trộm cát ở khu vực sông Cái. Chúng ngang nhiên cho ghe hút cát cập gần bờ cù lao Cỏ mà tiến hành hút lấy cát vàng. Gia đình tôi phải liên tục thức trắng đêm canh chừng bọn "cát tặt" nhưng cũng không ăn thua. Khi thấy lực lượng chức năng tuần tra ập đến thì ghe bỏ chạy mất dạng, hoặc nếu không kịp nên các đối tượng đã nhảy xuống sông lẩn trốn...Tình hình "cát tặc" khúc sông Cái này diển ra nhộn nhịp, ngày càng công khai mà coi bộ quá khó xử lý dứt điểm..."
Trong khi đó, anh Hà, hộ dân sống đầu dải đất cù lao Cỏ, than thở bởi sự lộng hành và...manh động của "cát tặc" :" Biết nhà tôi neo đơn chỉ có vợ và hai con nhỏ nên nửa đêm nghe ghe cập sát đất nhà tôi hút cát, tôi bước ra phản đối thì còn bị chúng hăm he, đe dọa. Riết rồi tôi cũng "chai", nói chung là cũng sợ bọn nó, đành phó thác cho lực lượng chức năng truy quét xử lý...".
Tóm lại, cù lao Cỏ được ví như một "nàng tiên" đang nằm "ngủ quên" suốt hàng trăm năm trên khúc sông Đồng Nai. Số phận "nàng tiên" này, hàng ngày đã, đang và sẽ bị...hăm họa bởi...bọn "cát tặc". Nếu không có biện pháp giải quyết rốt ráo tên nạn "cát tặt" thì coi chừng..."nàng tiên" sẽ..."ngủ" luôn, chìm xuống lòng sông. Bởi vậy, muốn cho "nàng tiên" bừng thức, tỉnh dậy, nảy nở những tiềm năng vốn có thì rất cần những kế hoạch đầu tư bài bản, lâu dài và bảo vệ cù lao Cỏ trong nay mai.
Nhiều căn nhà ven sông trên cù lao Cỏ bị bỏ hoang, không có người sinh sống bởi 1 số hộ dân không "chịu nổi" 3 cái không : không điện, không nước sạch và không cây cầu bắt qua, đi lại rất khó khăn.
Cư dân sống trên cù lao Cỏ chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới cá trên sông. Do trở ngại việc đi lại nên việc học hành của các em nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn).