Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của buôn bán trái phép động vật hoang dã

(17:11:56 PM 23/06/2015)
(Tin Môi Trường) - Nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) hiện đang là một vấn đề nóng được cả thế giới quan tâm. Tại Hội nghị London về nạn buôn bán trái phép ĐVHD tổ chức ngày 14/2/2014, trước đại diện cấp cao từ 46 quốc gia và 11 tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ ĐVHD và sự cần thiết phải ngăn chặn nạn săn bắt buôn bán ĐVHD trên phạm vi quốc tế: “Đây không phải là một khủng hoảng về môi trường đơn thuần. Đây là một “ngành công nghiệp tội phạm xuyên quốc gia”, sánh ngang với tội phạm về ma túy, vũ khí và buôn bán người” .

Cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của buôn bán trái phép động vật hoang dã

Tê tê đang bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên

 

Phát biểu này cũng đã được Việt Nam và toàn thế giới công nhận sau Hội nghị của Ủy ban về Phòng chống Tội phạm và Tư pháp Liên Hợp quốc (UN-CCPCJ) diễn ra ở Vienna (Áo) cuối tháng 4/2013.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD vô cùng phức tạp. Các mạng lưới buôn bán ĐVHD lớn không chỉ hoạt động trong nước và khu vực mà còn vươn xa sang nhiều quốc gia và châu lục khác trên thế giới, điển hình là châu Phi. Theo ENV, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “lộng hành” của các đường dây buôn bán ĐVHD lớn tại Việt Nam là do tội phạm liên quan đến ĐVHD vẫn chưa được coi là loại hình tội phạm nghiêm trọng. Bộ luật Hình sự của Việt Nam hiện nay có những chế tài xử lý rất nghiêm khắc đối với nhóm tội phạm về ma túy, vũ khí và buôn bán người nhưng ngược lại, chế tài xử lý tội phạm về ĐVHD vẫn chưa thực sự phản ánh được tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này.

Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS), hình phạt cao nhất cho loại tội phạm về ĐVHD là 07 năm tù. Tuy nhiên trên thực tế, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013, chỉ có khoảng 6% tổng số vi phạm được đưa ra xét xử  với mức phạt phổ biến là cải tạo không giam giữ và tù treo . Mặc dù tình trạng săn bắt ĐVHD ở Việt Nam diễn ra vô cùng phức tạp và nhiều vụ án mang tính chất rất nghiêm trọng nhưng ENV chỉ ghi nhận duy nhất 01 trường hợp bị cáo phải nhận mức án cao nhất 07 năm tù theo quy định của BLHS.

 

Cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của buôn bán trái phép động vật hoang dã

Cơ quan chức năng tịch thu tê tê vận chuyển trái phép


Hiện nay, Điều 241 Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”) quy định mức tối đa của khung hình phạt cho loại tội phạm này là 15 năm tù. Đây là một sự thay đổi rất tích cực và nếu được thông qua sẽ có ý nghĩa lớn trong việc răn đe các đối tượng vi phạm. Đáng tiếc là, một số nội dung của Điều 241 Dự thảo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm nghiêm trọng này. Thậm chí, theo ENV một số thay đổi còn được xem là “yếu” hơn quy định tại Điều 190 BLHS hiện nay. Cụ thể:

•Các hành vi vi phạm đối với loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ chỉ có thể được xử lý nếu gây hậu quả NGHIÊM TRỌNG hoặc trong trường hợp TÁI PHẠM: Theo Điều 190 BLHS hiện nay thì tất cả các hành vi vi phạm được liệt kê trong điều luật này đều bị xem xét xử lý hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật. Tuy nhiên, Điều 241 Dự thảo lại chỉ quy định những vụ việc “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc đối tượng tái phạm mới bị xem xét xử lý hình sự. Chính phủ chỉ liệt kê 83 loài ĐVHD trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đây là nhóm loài được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo pháp luật Việt Nam do số lượng loài còn rất ít hoặc bị đe dọa nghiêm trọng, liên tục về nơi phân bố, cư trú. Do đó, việc săn bắt, buôn bán hay tách ra khỏi quần thể tự nhiên chỉ một cá thể loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã “gây hậu quả nghiêm trọng” và có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của nhóm loài này. Vì vậy, việc đưa thêm khái niệm “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “trường hợp tái phạm” trong cấu thành Điều 241 Dự thảo là không cần thiết và dễ dẫn đến nguy cơ bỏ lọt nhiều tội phạm.

•Một số vi phạm thường xuyên xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng cho đa dạng sinh học nhưng vẫn không bị xem xét xử lý hình sự như hành vi “lưu giữ” và “chế biến”: Điều 190 BLHS hiện nay cũng như Điều 241 Dự thảo không có quy định về hành vi “lưu giữ” và “chế biến” ĐVHD. Trong chuỗi hành vi từ săn bắt các loài ĐVHD từ tự nhiên đến khi đưa các sản phẩm bất hợp pháp này đến tay người tiêu dùng tất yếu sẽ có giai đoạn “lưu giữ” và/hoặc “chế biến”. Xét đến cùng, mức độ nghiêm trọng của những hành vi này là tương tự như nhau vì cùng “lấy đi” các cá thể ĐVHD nguy cấp ra khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng, ảnh hưởng đến sự tồn tại của toàn bộ quần thể loài này trong tự nhiên. Tuy nhiên, trong khi BLHS có quy định các hành vi “săn, bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán”, các hành vi “lưu giữ” và “chế biến” lại không được ghi nhận là các hành vi nguy hiểm cho xã hội và do đó không được xử lý bằng chế tài nghiêm khắc này.

•Chỉ hành vi vi phạm đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ mới bị xử lý hình sự. Theo ENV, đây là một lỗ hổng lớn vì vi phạm liên quan đến các loài không phải là loài “nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” thì dù số lượng vi phạm lớn đến đâu và gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào cũng chỉ bị xử lý hành chính. Lấy ví dụ tê tê vàng và tê tê Java của Việt Nam, trước năm 2014, hai loài này không “được ưu tiên bảo vệ” và do đó vi phạm đối với tê tê vàng và tê tê Java trong mọi trường hợp chỉ bị xử phạt hành chính. ENV đã ghi nhận rất nhiều vụ buôn bán vô cùng lớn liên quan đến tê tê với số lượng lên đến hàng tấn, thậm chí đến hàng chục tấn nhưng các trường hợp này không bị khởi tố. Thậm chí tang vật tê tê cũng được cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá. Lợi nhuận khổng lồ mà hình phạt không đủ răn đe khiến cho các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ĐVHD lớn sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Hiện nay, cả hai loài tê tê của Việt Nam đã được nâng cấp bảo vệ do chúng bị khai thác đến cạn kiệt trong tự nhiên. Nếu pháp luật hình sự không có hình thức xử lý vi phạm với số lượng đặc biệt lớn liên quan đến các loài ĐVHD khác thì có lẽ trong tương lai tất cả ĐVHD của Việt Nam sẽ được nâng cấp thành “loài nguy cấp cần được ưu tiên bảo vệ”.

Việt Nam không chỉ có trách nhiệm bảo vệ ĐVHD của quốc gia mà đồng thời có nghĩa vụ quốc tế trong việc ngăn chặn các đường dây tội phạm buôn bán ĐVHD xuyên biên giới. Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV đã chia sẻ:“Lợi nhuận từ buôn bán ĐVHD ngang hàng với ma túy và vũ khí. Vì thế, chỉ có chế tài hình sự nghiêm khắc mới có thể làm giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD và bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam. ENV rất mong các nhà xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách xem xét thận trọng các quy định tội phạm về ĐVHD, kế thừa những điểm tích cực trong quy định hiện hành tại Điều 190 Bộ luật Hình sự (2009) và hoàn thiện quy định này phù hợp với thực tế thực thi để chế tài hình sự trở thành một công cụ nghiêm khắc răn đe, phòng ngừa loại tội phạm nghiêm trọng này. Ngoài ra, ENV cũng mong rằng trong quá trình hoàn thiện Bộ luật Hình sự, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng đồng thời xây dựng hướng dẫn thực thi pháp luật có liên quan để đảm bảo khi Bộ luật Hình sự được thông qua, cơ quan thực thi ngay lập tức có cơ sở pháp lý để thi hành các quy định tội phạm về ĐVHD.”

Loài tê giác một sừng đã bị tuyệt chủng tại Việt Nam. Nếu các nhà làm luật không thấy được mức độ nghiêm trọng của loại hình tội phạm này và có chế tài xử lý nghiêm minh thì chắc chắn nhiều loài ĐVHD khác như hổ, voi, gấu, tê tê, vượn, voọc, rùa biển sẽ sớm tuyệt chủng tại Việt Nam.

 

Cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của buôn bán trái phép động vật hoang dã

Rùa biển buôn bán lậu tại Khánh Hòa

Tin Môi Trường