Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cẩn thận vác những bọc xi măng qua suối - Ảnh: An Dy
Những ống nước cồng kềnh được vận chuyển xuyên rừng già
Mấy núi cũng trèo
Ở làng Aur có một điều rất đặc biệt, vì nằm ở phía tây nên mặt trời ở đây lặn rất muộn. Có khi đến tận 7 giờ tối mà trời vẫn còn sáng. Cũng nhờ vậy mà đội gùi hàng mới đi đến nơi về đến chốn; đội làm ruộng mới triệt được tận gốc của những rễ cây lì lợm bám sâu vào lòng đất; hay tổ đắp đập thủy điện, dẫn nước ở tận nguồn suối về được đến làng trước bữa cơm tối. Không chỉ trải nghiệm công việc, mỗi thanh niên tình nguyện Aur đều cảm nhận được ý nghĩa lớn lao từ những phần việc mình làm.
Nơi họ đến chẳng mấy ai đến được… Đó là ngôi làng nhỏ Aur (xã A Vương, H.Tây Giang, Quảng Nam) nằm ẩn sâu giữa dãy Trường Sơn hùng vĩ. Muốn đến Aur chỉ có cách đi bộ. Lúc thì lội qua suối nước sâu, khi thì băng qua những khe vực hiểm trở, chỉ cần một trận mưa rừng là sạt lở, lầy lội, trơn trượt… bên dưới là vực thẳm, sông sâu.
Rời đường Hồ Chí Minh đoạn qua cầu A Vương, những chàng trai, cô gái Cơ Tu bắt đầu cuộc hành trình chinh phục Aur. Trên vai họ không chỉ là đồ dùng cá nhân, lương thực mà còn có cuốc xẻng, xi măng, sắt thép... và những đoạn ống nước lớn, cồng kềnh, dài đến hơn 4 m. Vai vác nặng, chân rắn chắc bám sát vào từng mép đá, họ kiên trì bước về phía trước với những hình dung rời rạc về ngôi làng đặc biệt tận đầu nguồn A Vương, bởi hầu hết các bạn đều lần đầu tiên đến với nơi này.
Từ khi con gà rừng còn chưa gáy sớm, A Lăng Điếu (23 tuổi) ở xã biên giới Ch’Ơm (H.Tây Giang) đã khăn gói vượt mấy chục cây số đường núi xuống xã A Vương để kịp chuyến vận chuyển hàng. Trên lưng là lương thực, vai vác khoanh sắt nặng hơn 20 kg mà đôi chân Điếu vẫn thoăn thoắt như đi giữa đường bằng. Điếu cho biết bạn sống ở khu vực biên giới, nên việc đi bộ đường rừng vốn là chuyện cơm bữa. Tuy nhiên, các xã biên giới của Tây Giang phần lớn đều có đường đến tận thôn bản, nên chưa bao giờ phải đi bộ liên tục đường rừng xa xôi như đường đến với Aur. “Đó cũng là lý do chúng tôi quyết tâm tham gia chuyến này. Ở huyện miền núi thì đâu đâu cũng nghèo khó như nhau nên làm gì được cho đồng bào của mình là làm thôi”, A Lăng Điếu cho biết.
Không riêng gì A Lăng Điếu, 60% trong số hơn 150 thanh niên tình nguyện đi xây dựng nông thôn mới ở Aur đến từ các xã biên giới của H.Tây Giang. Dù ở ngay trên quê mình điều kiện đi lại, sinh sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi nghe phát động chiến dịch tình nguyện Aur, các bạn đã nhiệt tình lên đường.
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Khi kế hoạch vận động xây dựng nông thôn mới ở Aur được đề xuất, không ít người chùn bước khi đánh giá mức độ khả thi của nó. Bởi với Aur, không phải chỉ đi một mạch hơn 6 giờ đồng hồ, vào làm xong công trình rồi trở ra với 6 giờ đồng hồ khác, mà hành trình này dự kiến sẽ lặp đi lặp lại suốt đợt tình nguyện. Hơn ai hết, Z’Râm Đều (23 tuổi, xã Gary, H.Tây Giang) đã trải nghiệm điều đó. Sau khi đi hơn nửa ngày trời mới đến được Aur, ngay lập tức Đều cùng các bạn lập tổ đội, phân chia công việc và phối hợp triển khai.
Trong khi gần 30 thanh niên trai tráng dùng sức vóc của mình để san bằng hơn 20.000 m2 ruộng, thì toàn đội của Đều với hơn 30 thành viên phải tính thời gian lội ngược đường rừng trở ra để kịp gùi “hàng” bên ngoài gửi vào, thời gian đi bộ phải căn thật chuẩn xác bởi nơi đây không có sóng điện thoại để liên lạc. “Tính trung bình mỗi ngày, các thành viên trong đội xuyên qua hơn 20 cây số đường rừng để đến được điểm hẹn tập kết nhu yếu phẩm, vật liệu. Không có sóng điện thoại nên hễ gặp được nhau, chúng tôi lại sắp xếp giờ hẹn cho những ngày kế tiếp”, Đều nói.
Theo Z’Râm Đều, nếu thời tiết thuận lợi thì chuyện vào, ra tính bằng giờ đồng hồ, có nghĩa là cứ đếm chừng 6 giờ đồng hồ là hy vọng tới nơi. Còn nếu gặp mưa rừng thì chỉ biết trùm áo mưa cho người, cho xi măng, cho mì tôm... rồi “cắm đầu xuống đất” mà bước, bởi chỉ cần sẩy chân thì rất khó lường, chưa kể đến chuyện phải dè chừng đám vắt, rắn... bám theo bất kỳ lúc nào.
“Bằng sức trẻ, mùa tình nguyện này chúng tôi quyết tâm bàn giao hơn 20.000 m2 ruộng với đầy đủ hệ thống đường nước phục vụ tưới tiêu để bà con làm lúa nước. Trường tiểu học A Vương, điểm trường Aur từ bên kia suối cũng sẽ được chúng tôi tháo dỡ và di dời về ngay trong làng để các em nhỏ đến lớp được an toàn”, anh Nguyễn Văn Kỳ, Phó bí thư Huyện đoàn Tây Giang hồ hởi khẳng định.