Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines – Nguy cơ ô nhiễm

(18:25:49 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam của Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines) tại Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhạy cảm về môi trường bởi đặc trưng ngành nghề và vị trí của dự án nằm trên lưu vực sông Thị Vải.

Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam của Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines) tại Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhạy cảm về môi trường bởi đặc trưng ngành nghề và vị trí của dự án nằm trên lưu vực sông Thị Vải.

 

Những điều chưa ổn về xử lý ô nhiễm môi trường khi triển khai dự án trên đã được các nhà khoa học đặt câu hỏi với chủ đầu tư tại cuộc hội thảo góp ý kiến cho dự án được tổ chức sáng 11/5. Hầu hết các ý kiến đóng góp cho dự án đều nhằm tránh việc có thêm một “bản sao” như Hyundai Vinashin tại Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT)…

 

Theo trình bày của Vinalines tại hội thảo, Nhà máy Sửa chữa Tàu biển phía Nam sẽ ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, trong đó, công đoạn làm sạch vỏ tàu là công đoạn lớn và phát sinh chất thải nhiều nhất sẽ được sử dụng công nghệ phun nước siêu áp là công nghệ thân thiện với môi trường đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng, mặc dù giá thành của công nghệ này cao từ 8 đến 10 lần so với công nghệ thông thường (phun cát hoặc hạt nix).

 

Mặt khác, việc sử dụng công nghệ trên còn có nhiều ưu điểm so với cách làm sạch vỏ tàu bằng phun hạt nix hoặc cát vì nước có mặt ở khắp mọi nơi, dễ khai thác, không có bụi nên không ảnh hưởng tới môi trường không khí…

 

Trình bày về công nghệ phun nước siêu áp để làm sạch vỏ tàu, ông Dương Chí Dũng, Tổng Giám đốc của Vinalines, khẳng định sử dụng phương pháp trên sẽ làm giảm hàm lượng chì trong không khí tới 1.679 lần so với công nghệ thông thường.

 

Khi làm sạch vỏ tàu bằng phương pháp thông thường, khối lượng chất thải nguy hại sẽ phát sinh từ 41-73kg/m2, trong khi làm sạch bằng nước siêu áp chỉ thải trong khoảng từ 1-3kg/m2.

 

Cụ thể, Nhà máy Hyundai Vinashin ở tỉnh Khánh Hòa sử dụng công nghệ phun hạt nix nên hiện đã có 600.000 tấn chất thải, đang gặp khó khăn trong việc xử lý loại rác thải nguy hại này…

 

Với việc làm sạch vỏ tàu bằng công nghệ phun nước siêu cao áp, Vinalines khẳng định sẽ hạn chế tối đa lượng chất thải rắn, không phát sinh bụi và không phải nhập nguyên liệu xử lý.

 

Theo báo cáo của chủ đầu tư, vị trí của dự án đặt tại ấp Phú Hà, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành với tổng điện tích hơn 100ha. Hiện khu vực này là rừng ngập mặn (rừng đước và chà và).

 

Để tiến hành xây dựng Dự án Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam, chủ đầu tư dự kiến tổng khối lượng san lấp khoảng gần 5 triệu m3. Vị trí đổ bùn nạo vét trong quá trình thực hiện dự án là ngoài khơi Vũng Tàu (cách mũi Vũng Tàu 10km) và rừng ngập mặn ở Tây Bắc sông Rạng (phần giáp ranh giữa xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu và huyện Tân Thành). Nhà máy thực hiện tất cả các công đoạn của việc sửa chữa tàu vận tải nhưng không thực hiện việc súc rửa, vệ sinh cho tàu…

 

Trước hết, các nhà khoa học đánh giá cao việc UBND tỉnh BR-VT tổ chức hội thảo bởi việc này rất quan trọng với mục đích tránh có thêm một bản sao Hyundai Vinashin. Mặt khác, họ cũng ủng hộ và đồng tình khi chủ đầu tư dùng phương pháp phun nước siêu cao áp - một phương pháp tiến bộ, thân thiện với môi trường.

 

Tuy vậy, với những phương án về bảo vệ môi trường mà chủ đầu tư đưa ra, các khoa học và nhà quản lý trong lĩnh vực môi trường cũng còn băn khoăn. Với việc phá 100ha rừng ngập mặn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ, Viện phó Viện Kỹ thuật Nhiệt đới&Bảo vệ Môi trường, cho rằng: “Về nguyên tắc, nếu phá bao nhiêu ha rừng ngập mặn thì phải trồng lại bấy nhiêu ha. Vậy chủ đầu tư tính toán thế nào để bảo đảm cân bằng sinh thái và phát triển bền vững”.

 

Cũng về vấn đề này, ông Trương Thành Công, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ BR-VT, đặt câu hỏi: “Liệu BR-VT có còn đất để trồng lại 100ha rừng ngập mặn bị phá để làm dự án?”.

 

“Nước thải súc rửa tàu có thành phần gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường tiếp nhận nếu nước thải không được xử lý theo quy định. Nếu nhà máy chỉ tiếp nhận tàu sạch không chứa bất kỳ chất thải nào của tàu thì việc gây ô nhiễm ngoài khu vực nhà máy là rất cao bởi hiện tại chưa có nhà máy nào trên địa bàn tỉnh đảm nhận việc này”- Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Kim Chi, cán bộ của Viện Khoa học - Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội đặt vấn đề.

 

Có đại biểu cũng cho rằng, rất khó để bảo đảm tàu sửa chữa đã “sạch sẽ hoàn toàn trước khi lên ụ”. Do đó, một đại biểu góp ý kiến rằng, chủ đầu tư phải bổ sung nội dung làm sạch tàu vào báo cáo đánh giá tác động môi trường.

 

Về mặt giao thông trên luồng Thị Vải, ông Trương Thành Công cũng băn khoăn khi nói rằng, sau này, luồng Thị Vải sẽ có nhiều tàu bè ra vào vì hàng loạt cảng đang được xây dựng tại đây.

 

Chủ đầu tư cũng nên tính đến chuyện vùng quay tàu khi vào sửa chữa. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng băn khoăn trước việc dự án chưa nói rõ những tác động đến môi trường sông Thị Vải khi nạo vét hàng triệu mét khối bùn ở dưới đáy, vấn đề vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại khi BR-VT nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung đang trong tình trạng “khủng hoảng” về khả năng xử lý chất thải nguy hại…

 

Nhiều ý kiến lo ngại việc chủ đầu tư báo cáo đánh giá tác động môi trường thì rất tốt nhưng không thực hiện đúng như báo cáo.

 

Ông Ngô Kim Định, Vụ phó Vụ Môi trường- Bộ Giao thông Vận tải, lưu ý với chủ đầu tư: “Chủ đầu tư phải có tâm ngay từ khi bắt đầu tiến hành xây dựng dự án. Phải vì sự phát triển chung của cộng đồng và của ngành mình”.

 

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy cho rằng: Dự án Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam của Vinalines dù có áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và nhiều cam kết bảo vệ môi trường, nhưng sửa chữa tàu biển vẫn là ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm.

 

Đặc biệt, dự án này lại nằm trên sông Thị Vải. Vì vậy, ngoài việc chủ đầu tư phải bổ sung các giải pháp bảo vệ môi trường vào dự án, cơ quan bảo vệ môi trường của địa phương phải thực hiện nghiêm việc hậu kiểm công tác bảo vệ môi trường của nhà máy, tránh tình trạng, dự án đưa ra kế hoạch bảo vệ môi trường rất kỹ lưỡng nhưng sau đó lại “quên” không thực hiện mà cơ quan chức năng không biết.

 

Sau những đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý tại địa phương và rung ương, ông Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định BR-VT kêu gọi các dự án đầu tư trên cơ sở phát triển bền vững. Các dự án phải dung hòa được các vấn đề kinh tế - môi trường của một địa phương có tổng hợp các tiềm năng, lợi thế của BR-VT.

 

Với Dự án Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam, yêu cầu chủ đầu tư phải tính toán kỹ những cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, nhanh chóng bổ sung thông tin, hoàn thiện dự án bảo đảm sự phát triển bền vững.

 

(Theo Báo TN&MT)