Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sáng 14/7, kỳ họp lần thứ 18 HĐND TP Hà Nội đã chính thức khai mạc. UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi HĐND TP về kết quả kiểm tra và xử lý các dự án “treo” trên địa bàn. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, TP này có 381 dự án “treo” với tổng diện tích đất hơn 4.000 ha. Trong đó, số dự án “treo” sử dụng nguồn vốn ngân sách là 198 dự án, ngốn hơn 2.000 ha đất.
Nhiều lý do “treo” khác nhau
UBND TP Hà Nội phân tích có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các dự án đầu tư đã được giao đất nhưng triển khai chậm so với tiến độ đề ra hoặc không được triển khai khiến người dân bức xúc. Nhiều chủ đầu tư sau khi được cấp quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đã không có nguồn vốn để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư...
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường bất động sản trầm lắng nên một số chủ đầu tư phải tìm đối tác để thực hiện dự án dẫn đến chậm tiến độ. Hoặc có nhiều trường hợp chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch để nâng cao hiệu quả đầu tư hay xin chuyển sang mục đích khác nên phải có thời gian xem xét, giải quyết.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhận định: “Các sở Kế hoạch&Đầu tư, Tài nguyên&Môi trường, Xây dựng cũng có phần lỗi trong việc kiểm tra cấp phép xây dựng, chấp thuận thực hiện dự án có sử dụng đất, thu hồi đất nhưng lại để chậm triển khai”.
Cũng theo ông Khanh, dự án “treo” còn xuất phát từ những vướng mắc về giải phóng mặt bằng và tình trạng này chủ yếu rơi vào các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đối với những dự án quy mô lớn, quá trình giải phóng mặt bằng gồm có nhiều giai đoạn chuyển tiếp, cơ chế khác nhau nên dễ dẫn đến khiếu kiện.
Ở một số nơi, người dân đòi hỏi giá đất bồi thường phải theo giá thị trường trong khi thị trường đất ở, đất nông nghiệp chưa hình thành đầy đủ và nhà nước cũng chưa có phương án định giá đất phù hợp.
Gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ
Ngoài việc ra quyết định thu hồi hơn 400 m2 đất do Công ty Du lịch Hà Nội bỏ hoang, UBND TP Hà Nội còn giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị lập hồ sơ thu hồi đất của năm đơn vị khác với tổng diện tích đất là hơn 14 ngàn m2.
Cạnh đó, Hà Nội cũng kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án. Với các dự án được cấp phép đầu tư, giao đất nhưng để quá 12 tháng mà không khởi công, Hà Nội sẽ thẩm định lại năng lực tài chính, làm rõ sự thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt của chủ đầu tư để có cơ sở xử lý.
“Điều quan trọng là phải kiểm tra, làm rõ các dự án đó “treo” do đâu. Nếu “treo” do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết và yếu năng lực thì phải tính toán thu hồi để giao đất cho các đơn vị khác. Ngược lại, nếu do những nguyên nhân khách quan thì TP sẽ phối hợp với chủ đầu tư bàn bạc, tháo gỡ, bảo đảm khi đã có quyết định đầu tư, giao đất thì phải thực hiện” - ông Khanh nói.
Cũng liên quan đến việc xử lý các dự án “treo”, ông Phí Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Hà Nội đã rà soát đợt một các dự án đầu tư xây dựng trong khu vực từ vành đai III đến khu vực sông Đáy (chủ yếu thuộc Hà Tây cũ). UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai đợt một bao gồm 240/377 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng với quy mô hơn 9.000 ha.