Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sau bài "Tô Lịch ơi, bao giờ ta tắm được?", Báo CAND đăng tiếp loạt phóng sự về thực trạng sông Tô Lịch hiện tại và nêu một số giải pháp của các nhà khoa học, của bạn đọc tâm huyết với Thủ đô Hà Nội. Chủ ý cũng như ước mong của nhóm tác giả, đồng thời là mong ước của đông đảo bạn đọc là: Hãy khôi phục Tô Lịch để nó lại là con sông thơ mộng, hữu tình, là "tiểu long mạch" của kinh thành Thăng Long xưa và của Hà Nội ngày nay.
Nhưng xem ra ước mong ấy khó trở thành hiện thực, ít nhất là trong tương lai có lẽ không gần. Tìm hiểu và theo dõi "câu chuyện sông Tô Lịch" thì thấy Hà Nội vẫn đang còn loay hoay với vấn đề làm sạch nước sông Tô Lịch (điều phải làm sớm chứ chẳng lẽ vẫn để nước sông Tô Lịch nặng mùi như thế trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sao?).
Nói thẳng nói thật thì Tô Lịch hiện thời đâu còn là một con sông mà ai ai cũng mong muốn, kiểu như "Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre" (thơ Tế Hanh). Tô Lịch hiện còn hơn 10km, thực chất là một con kênh, con mương thoát nước bẩn của TP Hà Nội.
Hồn cốt Tô Lịch - dòng nước từ sông Hồng chảy qua nội thành Hà Nội đã mất vì bị chặn từ thời Pháp thuộc. Hình hài Tô Lịch không còn vì bị kè thoai thoải, thẳng băng và bị các loại công trình xây dựng (tư nhân có, tập thể có) lấn chiếm hai bên bờ.
Ấy vậy mà số phận con kênh Tô Lịch đã yên đâu, nó từng suýt bị và có thể sẽ bị chặt, bị chém thành từng khúc bởi những lý do thật mỹ miều. Hồi năm 2007, đã có một dự án "Cải tạo môi trường cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng và du lịch trên sông Tô Lịch".
Hãy nghe các nhà lập dự án trình bày: Hiện nay, các khu dân cư hai bên sông Tô Lịch không có bãi để xe con và thực tế cũng không có đất để xây dựng, vì vậy tìm giải pháp xây dựng bãi để xe mà không phải di dời nhà dân, tránh phá dỡ đền bù tốn kém phức tạp là điều cần được tính toán khi cải tạo môi trường cảnh quan cho sông Tô Lịch…
Dự án phác họa: Tổng thể đoạn sông này sẽ là một tổ hợp công trình dịch vụ, văn hóa, du lịch và cảnh quan được bố trí xen kẽ giữa các đoạn sông hở và đoạn sông kín tạo cảnh quan đẹp. Du khách sẽ đi qua một sông Tô Lịch với cây xanh, vườn hoa đủ màu và các công trình dịch vụ mang đậm bản sắc Việt. Rồi: Những đoạn bê tông hở khi nhìn từ trên xuống người vãn cảnh có cảm giác như đó là cái bể bơi nhân tạo (?!).
Gạt đi cái áo khoác ngôn từ mỹ miều ấy, thực chất là các nhà dự án định bê tông hóa gần 1km mặt sông Tô Lịch (đoạn từ Cầu Giấy đến Trung Kính và đoạn từ cầu Hòa Mục đến Cầu Mới) để lấy mặt bằng làm các công trình dịch vụ (sẽ được hàng chục ngàn mét vuông), chắc chắn là có tính toán đến thu lợi vì không phải bỗng dưng ai bỏ ra 255 tỷ đồng.
Kè bờ kiểu này đã biến con sông thành con kênh tưới tiêu
Cái dự án sát hại sông Tô Lịch ấy suýt trở thành hiện thực (ngày 15/6/2007, UBND TP Hà Nội đã thông qua với một đánh giá của người có trách nhiệm cao của Hà Nội: "Đây là một dự án táo bạo, một ý tưởng rất tốt, tạo không gian kiến trúc mới mẻ trên sông") nếu không có sự can thiệp kịp thời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: "Vẫn biết sông Tô Lịch chưa sạch nhưng việc chúng ta là đã, đang và sẽ làm cho sông Tô Lịch trong lành, chứ không phải lấp mặt sông như thế!". Và ông Bộ trưởng tuyên bố: "Dứt khoát không thể cho phép lấp mặt sông Tô Lịch!".
Ý tưởng lấp mặt sông Tô Lịch ấy tưởng thôi rồi, ấy vậy mà không. Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II đang sắp sửa triển khai hạng mục cải tạo tuyến mương từ Cống Đõ đến ngã ba chợ Bưởi có chiều dài 1,5km. Tuyến mương này, theo thiết kế của dự án, sẽ được cống hóa bằng bê tông cốt thép với thiết diện 3mx3mx02 cống, phía trên xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật như vỉa hè…
Xin nói ngay, tuyến mương Thụy Khuê theo cách gọi của dự án trên, chính là đoạn sông Tô Lịch nối với Hồ Tây mà với những gì còn lại hiện nay, đây là đoạn đầu sông Tô Lịch. Biến sông thành mương, người ta đang sắp chặt đầu sông Tô Lịch!
Thôi thì chưa đủ điều kiện để khôi phục Tô Lịch, cũng xin đừng sát hại những gì còn lại của con sông vô cùng quý giá giữa kinh thành Hà Nội nữa. Thử lãng mạn một chút (nói lãng mạn là tại thời điểm này, chứ còn mai sau, khi ta đã đủ tiền, đủ tầm, đủ tài thì điều đó chắc chắn và sẽ phải là hiện thực): Giữa thành phố to đẹp hiện đại, một con sông mát lành uốn chảy trong nội đô thì thành phố đó sẽ đẹp đẽ lên biết nhường nào.
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, sông Tô Lịch trước kia là dòng giao thông quan trọng nối Thăng Long với các khu vực phía Nam, đồng thời là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang sông Nhuệ.
Sử sách ghi rõ: "Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đông Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ".
Nước trong xanh và lòng sông như những con sông đầy sức sống khác.