Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Lượng mưa năm 2014 ở huyện Hướng Hóa chỉ đạt 1.000 mm, trong khi bình quân hàng năm 1.800-2.200 mm, khiến mực nước nhiều sông hồ, khe suối cạn kiệt. Từ đầu 2015 đến nay, số cơn mưa lớn trên địa bàn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa, mực nước các hồ ở mức 30-40% dung tích thiết kế, gây thiếu nước sản xuất nghiêm trọng, nhất là 8 xã vùng Lìa.
Thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp cho thấy có khoảng 1.000 ha sắn trồng muộn, 500 ha cà phê mới trồng 1-2 năm tuổi bị héo úa, lá vàng. “Hạn làm cây sắn củ ít, chất lượng giảm, kéo dài thời gian sinh trưởng từ 10 lên 12 tháng. Từ đó, làm thay đổi mùa vụ của năm sau, ảnh hưởng đến cây trồng khác”, ông Khả nói.
Dẫn đường ra rẫy sắn, anh Hồ Văn Ri ở xã A Xing rầu rĩ chỉ tay vào nhiều hom sắn vừa đâm chồi, lá vàng úa vì nắng. “Lá vàng như thế này là sớm muộn gì sắn cũng chết. Nếu tuần tới mà không có mưa thì cả rẫy sắn nhà mình chết hết. Giờ lo nhất là không có hom sắn để trồng mới, mà phải chờ trời mưa mới trồng lại được”, anh Hồ Văn Ri nói.
Tại xã A Xing, Chủ tịch xã Hồ A Dược thông tin: “Cả xã có 20/27 ha lúa nước phải bỏ hoang vì hạn. 370 ha sắn của dân, nhiều diện tích đã bị cháy vàng, thiệt hại khoảng 80%. Một số nơi vừa trồng mới sắn, do nắng quá nên bị chết, không lên nổi”.
Ngoài ra, 10 ha cây bời lời, loại cây công nghiệp cũng bị chết do hạn. Tại một số nương lúa rẫy, người dân chấp nhận rủi ro, gieo hạt lúa rồi lấp đất, chờ trời mưa hạt lúa tự mọc.
Nhiều diện hồ tiêu bị héo lá, có nguy cơ chết nếu trời không mưa. Hiện tượng hạn hán kéo dài này được xem là bất thường ở Hướng Hóa, khi mọi năm thời gian này là mùa mưa.
Tại một số xã như Tân Liên, Tân Long, Hướng Tân… nhiều rẫy cà phê héo rũ rượi, một số cây đã bị khô đọt.
Đập thủy lợi A Mo Rơ ở xã A Xing vốn cấp nước cho khoảng 10 ha sắn và lúa nay cạn khô, chỉ còn một vũng nước tù cho trẻ em, phụ nữ và người già tắm giặt.
Để tiết kiệm giống, xã A Xing khuyến cáo bà con ủ hom sắn ở nơi mát mẻ, chờ có mưa xuống mới tiếp tục trồng. “Cái lo lớn nhất của chúng tôi là thiếu đói. Người dân sống nhờ cây sắn, mà sắn chết thì người cũng quay quắt theo”, vị Chủ tịch xã nói. Địa phương này kiến nghị hỗ trợ giống để người dân có thể trồng mới sắn ngay khi có mưa.
Năm 2014, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ huyện miền núi này 800 triệu đồng để khoan giếng. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho biết, nhiều người dân các xã dọc quốc lộ 9 đang tự phát khoang giếng, khoảng 10-30% số hộ dân có giếng khoan. Tiền khoan mỗi giếng ở mức 20 triệu đồng, sâu 30-60 mét mới có nước.