Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trên mạng lan truyền hai bức ảnh với những chi tiết khác nhau được các nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu...so sánh
Visa pour I’Image Perpignan là festival nhiếp ảnh báo chí lớn nhất thế giới tổ chức hằng năm ở thành phố Perpignan, miền nam nước Pháp.
Năm 2014, các cựu phóng viên chiến trường Việt Nam gồm Đoàn Công Tính, Mai Nam, Chu Chí Thành, Hứa Kiểm đã được mời tham dự sự kiện này.
Trong đó bức ảnh bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác của nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đặc biệt gây ấn tượng ở festival. Tờ The New York Times của Mỹ đã chọn bức ảnh làm tiêu điểm cho loạt ảnh giới thiệu về ảnh chiến trường Việt Nam tại Perpignan.
Tiếp theo tiếng vang của festival, vào giữa tháng 4-2015 ban tổ chức Visa pour I’Image Perpignan tiếp tục giới thiệu triển lãm này tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội. Bức ảnh bộ đội đu dây của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính một lần nữa được chọn in poster chính cho triển lãm.
Bất ngờ bùng nổ tranh cãi
Bức ảnh của Đoàn Công Tính được giới thiệu tại Festival Visa pour l'Image Perpignan 2014
Tuy nhiên, hiện các nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu... trên thế giới đang tranh luận về tính chân thực của bức ảnh. Họ gây áp lực lên ban tổ chức Visa pour I’Image Perpignan đề nghị giải thích, đồng thời thông báo
đến các tờ báo từng đăng tải bức ảnh này.
Trên trang blog cá nhân, nhà nhiếp ảnh Đan Mạch Jorn Stjerneklar đã kể lại câu chuyện ông gặp nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính thế nào.
Vào một ngày cuối tháng 4-2015, ông cùng một nhà báo nữ Đan Mạch khác là Helle Maj đến gặp nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính tại nhà riêng để thực hiện loạt bài phỏng vấn về các nhà nhiếp ảnh chiến trường.
Khi tác giả Đoàn Công Tính đưa cho ông quyển sách ảnh Khoảnh khắc của Đoàn Công Tính in năm 2001, Stjerneklar phát hiện ở trang thứ 162, bức ảnh bộ đội Trường Sơn đu dây khác hẳn bức ảnh ông thấy tại festival Visa pour I’Image Perpignan 2014.
Theo tường thuật của Stjerneklar, khi ông hỏi tác giả tại sao hai bức ảnh lại khác nhau, ông Đoàn Công Tính đã nhìn xuống và giải thích rằng do phim gốc bị hư nên có sự can thiệp trên.
Stjerneklar kể về ấn tượng của ông khi lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh ở Pháp năm 2014: “Nó là một biểu tượng. Không gì khác hơn nữa!”.
Nhưng khi nghe lời giải thích của Đoàn Công Tính ở nhà riêng một năm sau, cảm giác của Stjerneklar là: “Giây phút đó tôi như người thuộc thế giới khác!”.
Những so sánh về những điểm giống nhau, khác nhau của hai bức ảnh cũng lan đi trên mạng xã hội với nhiều cảm giác sững sờ, kinh ngạc của những người từng hâm mộ bức ảnh trên thế giới.
Tờ The New York Times sau đó đã gỡ bức ảnh xuống kèm theo lời giải thích của ban biên tập. Tác giả, nhà nghiên cứu thể loại ảnh chiến trường David Campbell (Mỹ) cũng tung lên một bài viết dài với sự nghiên cứu của các đồng nghiệp, trong đó có cả câu chuyện của Stjerneklar.
Dường như các ý kiến của David Campbell, Stjerneklar đều không chủ ý buộc tội nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính. Nhưng họ chỉ trích và gây sức ép gay gắt lên ban tổ chức festival Visa pour I’Image Perpignan 2014.
Họ đặt vấn đề trách nhiệm tuyển chọn vì festival ảnh báo chí lớn nhất này có tiêu chí là không chấp nhận ảnh sắp đặt, sao lại để “vuột” một vụ mà họ gọi là xìcăngđan lớn như thế!
Bức ảnh của Đoàn Công Tính in trong sách ảnh Khoảnh khắc năm 2001
Bức ảnh đẹp là sản phẩm... Photoshop
Trao đổi với nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính, ông thừa nhận có buổi gặp gỡ với nhà nhiếp ảnh Đan Mạch Jorn Stjerneklar và nhà báo Helle Maj tại nhà riêng hồi cuối tháng 4-2015.
Ông cũng xác nhận đã giải thích với Stjerneklar rằng do phim gốc không đạt chất lượng nên ông phải nhờ kỹ
thuật Photoshop để tạo nên bức ảnh trên.
Đoàn Công Tính giải thích rõ hơn rằng do phim gốc không đạt chất lượng nên ngay trong thời chiến tranh ông đã không gửi đi đâu mà cất giữ ở nhà.
Sau này ông lấy ra, đem đến phòng lab nhờ họ dùng kỹ thuật Photoshop để tạo thêm phông nền là thác nước để hoàn chỉnh bức ảnh. Cả bức ảnh của năm 2002 và 2014 đều là kết quả của hai lần Photoshop khác nhau.
“Vì bức ảnh này không nổi tiếng nên tôi lưu trong đĩa cùng hàng trăm bức ảnh khác chỉ để chơi cá nhân. Đến khi ông Patrick Chavel - người tuyển chọn của Festival Visa pour I’Image Perpignan 2014 - đến thì tôi đưa họ luôn cái đĩa. Vì không trực tiếp gửi ảnh nên tôi không biết là họ chọn bức ảnh này!” - Đoàn Công Tính cho hay.
Trước đây, Đoàn Công Tính được nhiều lần mời ra nước ngoài triển lãm ảnh chiến tranh nhưng ông chưa hề đem theo bức ảnh này.
Tác giả cũng giải thích ngoài việc in trong quyển sách ảnh Khoảnh khắc xuất bản năm 2001, bức ảnh này chưa hề được công bố trên báo chí trước Festival Visa pour I’Image Perpignan 2014.
Nhưng trước những tranh cãi hiện nay do bức ảnh mang lại, tác giả của bức ảnh nổi tiếng Nụ cười thành cổ Quảng Trị đã bày tỏ sự tiếc nuối: “Khi sự việc xảy ra, người đại diện của Festival Visa pour I’Image Perpignan 2014 có đến đây đặt vấn đề tôi sẽ giải thích thế nào. Tôi cũng giải thích hoàn toàn như vậy. Tuy nhiên, vì những sai sót cá nhân của mình mà khiến họ bị lôi vào sự việc xôn xao hiện nay, tôi cũng đã gửi lời xin lỗi”.
Lời xin lỗi vì những sơ suất đã được gửi đi nên bài học khi “chơi” với thế giới càng là một kinh nghiệm nhớ đời, không chỉ cho riêng một người.