Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ngày Quốc tế phòng chống sa mạc hóa 17/6: Chung tay bảo vệ rừng góp phần chống sa mạc hóa

(15:16:22 PM 11/06/2015)
(Tin Môi Trường) - Sáng 11/6, tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ban quản lý Chương trình hợp tác của Liên hiệp quốc về giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (Chương trình UN REDD) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống sa mạc hóa 17/6. Tham dự buổi lễ có đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Ban quản lý Chương trình UN REDD, Văn phòng Công ước chống sa mạc hóa, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận cùng đông đảo người dân địa phương.

 Ngày Quốc tế phòng chống sa mạc hóa 17/6: Chung tay bảo vệ rừng góp phần chống sa mạc hóa

Ảnh minh hoạ

 

Tác động của hạn hán, sa mạc hóa đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 9 triệu ha đất hoang hóa (chiếm 28% diện tích tự nhiên cả nước); trong đó, diện tích đang chịu tác động trực tiếp từ sa mạc hóa khoảng 7,5 triệu ha. Chỉ riêng trong đợt hạn hán năm nay, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam bộ có hơn 58 nghìn ha cây trồng bị hư hại do hạn hán; 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa có 44 nghìn ha đất ruộng không có nước để sản xuất. 


Với chủ đề “An ninh lương thực dựa trên nông nghiệp thông minh và đa dạng hóa nông nghiệp” cùng lời kêu gọi “Sẽ không có lương thực nếu không đầu tư cho đất”, Ngày quốc tế phòng chống sa mạc hóa năm 2015, ngoài ý nghĩa nâng cao nhận thức cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của sa mạc hóa và hạn hán gây ra, còn đưa ra những giải pháp liên quan đến bảo vệ quản lý rừng, tài nguyên đất bền vững từ đó góp phần cải tạo môi trường, chống lại biến đổi khí hậu, sa mạc hóa… 


Nằm trong khu vực có khí hậu khô hạn, Bình Thuận là địa phương chịu tác động nặng nề nhất của hiện tượng hoang hóa và sa mạc hóa. Mỗi năm, Bình Thuận có lượng mưa trung bình khoảng 1.400mm nhưng có sự chênh lệch giữa các vùng, có nơi có năm chỉ có 200-250mm, lượng nước bốc hơi cao gấp 2 lần lượng mưa đi kèm. Với đặc điểm nổi bật là đất cát và đồi cát ven biển chiếm khoảng 125 nghìn ha (chiếm 16% diện tích tự nhiên), những năm qua tình trạng hoang mạc hóa ở Bình Thuận ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn ở các huyện ven biển. Hiện tượng hoang mạc cát và đất cát ven biển kéo dài từ phía Bắc đến phía Nam tỉnh nhưng trọng điểm là ở khu vực xã Chí Công, huyện Tuy Phong và khu vực xã Hòa Thắng, khu Lê, huyện Bắc Bình. Cát ven biển được hình thành từ nhiều thời kỳ, đang bị suy thoái nặng và trở thành “đất chết” do gió biển và khai thác nước ngầm để sinh hoạt. 


Để chắn gió, chắn cát, điều tiết sinh thủy phục vụ ổn định sản xuất của người dân ven biển, Bình Thuận đã nỗ lực để xây dựng dải phòng hộ ven biển chạy dài từ Tuy Phong đến Hàm Tân. Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng các dự án phục hồi, bảo vệ rừng như: JICA 2, Chương trình UN REDD… 


Tại buổi mít tinh, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân thể hiện hành động cụ thể, chung tay bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển rừng và cũng là chống biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa. Sau buổi lễ, các đại biểu và người dân đã tham gia trồng 2.000 cây xanh dọc khu vực đồi cát Bàu Trắng để chống cát bay

Hồng Hiếu