Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Từ khi đưa vào hoạt động (năm 2009) đến nay, tuyến cáp quang biển AAG bị đứt tổng cộng 17 lần, chưa kể các lần bị sự cố sụt nguồn trong thời gian ngắn. Riêng từ đầu năm đến nay, cáp AAG xảy ra 4 sự cố; những ngày qua internet cũng chập chờn là do sự cố cáp quang biển.
“Nghi phạm” mỏ neo
AAG là một trong những hệ thống cáp ngầm xuyên đại dương lớn nhất thế giới với độ dài hơn 20.000 km, tổng vốn đầu tư trên 560 triệu USD, kết nối Đông Nam Á với Mỹ thông qua Thái Bình Dương. Hầu hết sự cố xảy ra trong phân đoạn nối liền giữa Việt Nam với Hồng Kông và Singapore dẫn tới những hoài nghi về chất lượng của tuyến cáp quang biển này.
Sơ đồ tuyến cáp AAG nối liền Đông Nam Á với nước Mỹ với chiều dài hơn 20.000 km Ảnh: VNPT
Nhận định về nguyên nhân, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam (xin không nêu tên) cho biết với chiều dài hàng chục ngàn km, để tiết kiệm chi phí, các tuyến cáp quang biển đều có chung 1 nguyên tắc thiết kế là gia cường ở gần bờ và rất mỏng manh ở ngoài khơi xa. “Tuyến cáp mỏng manh nằm nổi trên nền cát đáy biển ở ngoài khơi, mỏ neo tàu thuyền thả xuống rê trên nền cát rất dễ vướng phải, gây hư hại. Khi vào gần bờ, mực nước càng nông và các hoạt động hàng hải càng dày đặc thì khả năng cáp bị mỏ neo của con tàu nặng hàng ngàn tấn hay các loại lưới rà đáy biển móc phải gây hư hại lại càng lớn. Khoảng 70% vụ đứt cáp quang biển trên thế giới do 2 nguyên nhân này” - vị này phân tích.
Cũng theo chuyên gia, biển Đông có hoạt động hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới nên cũng dễ xảy ra tình trạng đứt cáp ngầm nhất. Ngoài ra, ngay cả khi nằm dưới đáy biển, cáp quang hoàn toàn có thể chịu sự phá hoại của thiên tai như động đất, núi lửa ngầm hoặc trượt bùn, cát, giông bão. Việc phá hoại có chủ đích (hoặc vô tình) của con người cũng là một lý do. Năm 2007, từng xảy ra vụ một số tàu cá đi cắt trộm cáp ngầm của tuyến cáp TVH.
Khắc phục bằng cách nào?
Các sự cố cáp quang biển gần như bất khả kháng và phải chấp nhận việc mỗi lần cáp bị đứt là phải điều tàu đi sửa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có thể hạn chế sự cố bằng cách thông tin cho các tàu bè có ý thức hơn như không cắt cáp, tránh thả neo ở gần các đường cáp đi qua, gia cường cáp cho chắc chắn hơn.
Hiện các nhà quản lý, nhà mạng đã lên phương án xây dựng đường cáp quang mới để đáp ứng băng thông ngày càng tăng, san tải bớt cho các tuyến cáp cũ cũng như hỗ trợ tốt khi tuyến cáp quang AAG gặp sự cố. Ông Phạm Đình Trường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel, cho biết bên cạnh việc sử dụng các hướng dự phòng là tuyến cáp quang biển Liên Á, tuyến cáp quang đất liền kết nối hướng Trung Quốc, Viettel cùng với các nhà mạng lớn khác đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (APG - Asia Pacific Gateway) và tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1). Cáp APG có chiều dài hơn 11.000 km, băng thông khoảng 4Tbps, nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ còn cáp AAE1 dài 25.000 km, nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi.
Các tuyến cáp quan trọng này dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2016, nâng tổng số đường trục quốc tế của Viettel lên con số 6 (gồm AAG, IA, 2 hướng đi qua Trung Quốc, APG và AAE1), giúp nâng cao chất lượng kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam, đặc biệt bảo đảm dịch vụ cho khách hàng khi tuyến AAG gặp sự cố hoặc ngừng hoạt động.
Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 4 tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG có dung lượng truyền tải lớn nhất. Trong 3 tuyến còn lại, tuyến SE-ME-WE-3 và TVH có dung lượng thấp, sử dụng 10 - 15 năm nay; còn tuyến cáp IA mới được xây dựng nhưng dung lượng không bằng AAG. Hầu hết các ISP tại Việt Nam đều sử dụng tuyến cáp AAG để kết nối với quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tuyến cáp quang biển AAG bị đứt 2 lần, chưa kể 2 lần bị sụt nguồn và mất ổn định, gây ảnh hưởng nhiều đến việc truy cập internet đi quốc tế.
Sẽ khắc phục xong sự cố vào ngày 17-6
Liên quan đến sự cố mất ổn định cáp AAG xảy ra từ ngày 4-6, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho biết hiện tàu quốc tế đã thực hiện xong các thủ tục quy định vào hải phận Việt Nam, bắt đầu kiểm tra khu vực nghi ngờ có sự cố vào sáng 8-6. Việc sửa chữa kéo dài đến ngày 17-6. Trong thời gian cáp AAG mất ổn định, VNPT đã chủ động ứng phó, san tải sang các tuyến khác, định tuyến lưu lượng, kết nối trực tiếp với Google để bù đắp lưu lượng sụt giảm nhằm giảm thiểu tác động đến chất lượng sử dụng dịch vụ của khách hàng.
T.Dũng