Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sông Gianh (Quảng Bình) đoạn chảy qua xã Đức Hóa cạn trơ đáy, chỗ có nước chỉ ngang đầu gối - Ảnh: Phan Thủy
VN là một đất nước nằm trong vùng châu Á gió mùa, có lượng mưa khá lớn, xấp xỉ 2.000 mm/năm, cả nước có đến 2.732 con sông có chiều dài trên 10 km và khá nhiều chi lưu, dòng suối, hồ đầm, có nguồn nước ngầm hiện diện tương đối đều khắp và có một vùng bờ biển dài và rộng. Với ưu thế địa lý tài nguyên như vậy, nhiều người vẫn nghĩ rằng nguồn nước ở VN rất dư thừa dẫn đến sử dụng nguồn nước khá lãng phí.
Đe dọa lớn nhất cho tài nguyên nước ở VN là sự xuống cấp về chất lượng nước mặt và sự khai thác quá mức cho phép làm suy giảm nguồn nước ngầm; sự biến động bất thường của điều kiện thời tiết và khí hậu làm lượng mưa phân bố mất cân đối cả về không gian và thời gian. Nước ngầm ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh ĐBSCL đang sụt giảm báo động, gây sụt lún mặt đất tự nhiên.
Với dân số năm 2012, bình quân đầu người VN chỉ nhận được 3.370 m3/năm nguồn nước nội sinh, trong khi đó số liệu trung bình trên thế giới là 7.400 m3/người/năm. Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm. Căn cứ vào tiêu chí này, VN rõ ràng là quốc gia đang thiếu nước.
Đã thiếu nước còn lấp sông
Hơn 80% các con sông lớn ở VN đang bị ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, sản xuất nông ngư nghiệp, kể cả những kế hoạch phát triển thiếu cân nhắc về môi trường như san lấp dòng chảy làm đô thị, hình thành những sân golf, khu công nghiệp dọc theo bờ sông hoặc cù lao.
Điển hình như sông Đồng Nai, là lưu vực sông lớn nhất khu vực chảy từ Tây nguyên đến miền đông Nam bộ rộng hơn 36.000 km2, cung cấp nước cho hơn 17 triệu người ở 11 tỉnh thành. Với tổng lượng dòng chảy năm khoảng 45 tỉ m3 nước thì bình quân mỗi đầu người trong lưu vực sông Đồng Nai chưa đến 2.650 m3/người/năm, thuộc loại thấp nhất nước. Lượng nước ở mức khan hiếm nhưng sông Đồng Nai đang phải chịu nhiều công trình thủy điện ở thượng nguồn, bị thu hẹp và lấn chiếm ở nhiều khu dân cư đô thị; phải đón nhận hàng tấn nước thải sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày thì nguy cơ suy thoái cực kỳ lớn.
Nhìn xa hơn, hầu hết nguồn nước chảy đến VN từ các quốc gia láng giềng. Khoảng 50% lượng nước sông Hồng đến từ Trung Quốc, 85% lượng nước đến ĐBSCL từ 5 nước ở thượng lưu sông Mê Kông. Các công trình thủy điện, hệ thống thủy nông và hình thành nhiều khu công nghiệp dọc sông ở các nước thượng nguồn sẽ làm thay đổi thủy văn dòng chảy, hạn hán trầm trọng hơn vào mùa khô và dòng nước mang các hợp chất ô nhiễm từ thượng lưu sẽ khiến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước về số lượng, thoái hóa về chất lượng và bất thường về thời gian sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho VN hiện nay và tương lai.
Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 vừa qua ở Bến Tre đã cảnh báo nguy cơ suy kiệt tài nguyên nước ở VN. Việc tiếp tục các đối thoại, hợp tác, chia sẻ tài nguyên nước và tăng cường nhận thức cộng đồng về sử dụng nguồn nước là rất cần thiết. Chính phủ, nhà khoa học và người dân cần chuẩn bị các kịch bản và giải pháp ứng phó thích hợp cho vấn đề an ninh nguồn nước, như là một cơ sở cho an ninh lương thực, an ninh xã hội và trên hết là hướng đến một sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Một trong những giải pháp đầu tiên và kiên quyết là dứt khoát không dung túng, bao biện cho các hành vi lấn lấp dòng chảy kiểu như dự án lấp sông Đồng Nai làm đô thị hiện nay.
Thúc đẩy hành động cụ thể trong quản lý nước
Ngày 5.6, tại Bến Tre, Đối thoại lần thứ 4 về phát triển bền vững của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) “Tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015” tiếp tục diễn ra với chủ đề quan trọng về nước và những thách thức toàn cầu.
180 chuyên gia, diễn giả đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hành động cụ thể trong quản lý bền vững nước như lồng ghép vấn đề bảo vệ nước vào chiến lược phát triển bền vững của từng quốc gia; trao đổi kinh nghiệm, điển hình và khuyến nghị chính sách, trong đó có sử dụng, chia sẻ nguồn nước xuyên quốc gia; hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM; chuyển giao công nghệ xanh, sạch trong quản lý và sử dụng nguồn nước, trong đó có tái chế nước thải....
Đình Tuyển - Khoa Chiến/TNO