Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Không khoan được nước, người dân xã Biển Bạch (Thới Bình, Cà Mau) trông chờ vào nước trời. Ảnh: Thành An
Tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh
Xã Biển Bạch được chia đôi bởi dòng sông Trẹm. Cả xã có 5 ấp, với hơn 2.000 hộ dân nhưng có tới 1.400 hộ ở hai bên bờ sông Trẹm, đặc biệt là ấp 18 và ấp Thanh Tùng. Toàn bộ số hộ này hằng ngày phải mua nước sử dụng bởi không thể dùng được nước giếng khoan do mạch nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn rất nặng. “Nhà tôi 4 lần khoan giếng ở vị trí khác nhau, có lần khoan sâu đến 180m, nhưng nước vẫn mặn và độ phèn cao. Từ đó đến nay phải dùng nước ông trời” - ông Nguyễn Hùng Anh - Bí thư Chi bộ ấp Thanh Tùng nói.
Gia đình ông Hùng Anh có 6 người, hằng tháng sử dụng hết sức tiết kiệm cũng hơn 10m3 nước, với giá 40.000 đồng/khối. Anh kể với giọng chua chát: “Khổ lắm chú ạ, sống giữa biển nước mà cứ phải ngửa cổ lên trời mong mưa. Nhà thì đông người, nước thì đắt đỏ nên dùng việc gì cũng phải suy nghĩ. Nước đi mua cũng chỉ để nấu nồi nước, nồi cơm. Nhiều lần đi làm về, người bẩn, nhảy ùm xuống vuông tôm tắm trước với nước mặn, sau đó lên nhúng khăn vào nước ngọt lau cho đỡ mặn, vậy là xong”.
Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ chật hẹp ở ấp 18 của Mẹ VNAH Lê Thị Dòi có đến 5-6 cái lu quanh nhà. Mẹ Dòi kể: “Mấy năm trước người ta khoan một cây nước (trạm cấp nước), dùng được hơn năm thì hỏng. Năm ngoái lại xây một cái mới, dùng chưa được một tháng cũng đã hỏng, giờ bỏ không. Không biết bao giờ có nước sạch để dùng, đành dùng nước mưa hoài, hết thì lại mua. Nhưng mua đắt tiền, lại phải đợi. Bữa trước phải đặt cọc tiền cho người ta, rồi chờ mấy ngày nữa có nước”.
Để chống chọi với cái khát trong mùa khô, ngay từ mùa mưa người dân đã hứng nước mưa vào lu để dự trữ. Nhưng cách làm này cũng chỉ đối phó được khoảng 1 tháng, gia đình nào có vài chục cái lu thì được khoảng hai tháng. Nhà chị Nguyễn Thị Phượng (ấp Thanh Tùng), có đến 7-8 cái lu đựng nước, nhìn nước trong lu chúng tôi không khỏi giật mình khi màu nước “trong” không hơn gì mấy màu đục của nước sông Trẹm trước nhà. Không những vậy, trong những chiếc lu ám những vết úa vàng, những con loăng quăng bơi đầy. Chị Phượng cho biết, nước này là nước giếng khoan chị vừa mua về để nấu cơm nước hằng ngày.
Mùa khô tới sẽ hết khát?
Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đỗ Minh Trí cho biết, đã có chủ trương, kế hoạch xây dựng một nhà máy nước sạch ở xã Tân Bằng (huyện Thới Bình) rồi kéo đường ống nước về xã Biển Bạch, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Việc khảo sát mặt bằng đã thực hiện xong, nhưng phải đợi kế hoạch thực hiện cụ thể ở cấp lãnh đạo.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - GĐ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.300 hộ dân đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn. Để giúp bà con có được nước sạch sinh hoạt, trung tâm đã thực hiện dự án xây dựng công trình nước sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân xã Biển Bạch. Dự án sẽ xây dựng ở xã Tân Bằng rồi kéo đường ống về Biển Bạch. Ước tính sẽ mất khoảng 70-75km đường ống dẫn, phục vụ cho hơn 2.000 hộ dân của huyện Thới Bình. Dự án đã được UBND tỉnh đồng ý với kinh phí 35 tỉ đồng (1 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh).
Tuy nhiên, hiện còn phải chờ Bộ NNPTNT duyệt thì mới triển khai. Nếu dự án được duyệt sớm thì mùa khô năm sau bà con xã Biển Bạch sẽ có nước để dùng. Bên cạnh đó, sẽ trình UBND tỉnh một số dự án nước sạch ở các huyện nhằm đảm bảo toàn tỉnh có nước sạch dùng trong mùa khô.