Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Linh dương Saiga chết bí ẩn ở Kazakhstan. Ảnh: ABC
Theo tổ chức Hiệp định về Bảo tồn các loài động vật hoang dã di trú (CMS) do Liên Hợp Quốc bảo hộ, vi khuẩn Pasteurella và Clostridia xuất hiện trên các thi thể. Tuy nhiên, những loại vi sinh vật này vốn không nguy hiểm đến tính mạng trừ khi con vật có hệ miễn dịch yếu.
Theo đó, nguyên nhân hiện tượng này có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố sinh học và môi trường như mưa, ẩm, khiến hệ miễn dịch của chúng suy yếu và dễ dàng bị vi khuẩn tấn công.
Năm 2010, từng có trường hợp 12.000 con linh dương Saiga chết đồng loạt; trước đó năm 1984 từng ghi nhận một vụ khoảng 100.000 cá thể chết. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể kết luận chắc chắn nguyên nhân tử vong.
Theo ABC, hiện tượng này thường diễn ra trong thời gian sinh nở của loài Saiga, khi những con cái tập trung thành đàn lớn và cùng sinh sản trong thời gian rất ngắn, không đầy một tuần.
Vụ lần này xảy ra ở 4 đàn Saiga lớn, chiếm một phần ba tổng số cá thể của loài này. Phần lớn các con chết là con mẹ và con con. Dự báo số cá thể chế lần này sẽ vượt xa con số 120.000. Với lượng lớn cá thể chết trong thời gian ngắn như vậy, ước tính phải mất một thập kỷ số lượng Saiga mới có thể phục hồi trở lại.
Thủ tướng Kazakhstan Karim Massimov đã cho lập đội chuyên gia quốc tế nhằm tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng này cũng như giám sát việc tẩy trùng tại các khu vực đàn Saiga chết.
Linh dương Saiga hiện sinh trưởng chủ yếu ở thảo nguyên phía tây bắc của Nga và ba khu vực khác ở Kazakhstan. Đặc trưng của loài này là chiếc mũi linh hoạt, tương tự như vòi của loài heo vòi có chức năng lọc bụi trong không khí và làm ấm không khí trước khi đưa vào phổi. Vào mùa hè, linh dương Saiga có lớp lông mỏng màu quế, còn mùa đông, lông có màu trắng và dày lên gần gấp đôi.
Số lượng linh dương Saiga đã giảm tới 95% trong thập kỷ cuối thế kỷ 20 do nạn săn bắn bừa bãi và nhu cầu sừng linh dương của Trung Quốc. Tuy nhiên, do loài này thường sinh đôi, số lượng cá thể có thể tăng lên nhanh chóng. Tại Kazakhstan, số cá thể đã tăng từ 20.000 con năm 2003 lên hơn 250.000 con vào thời điểm trước vụ chết hàng loạt vừa xảy ra.
Linh dương Saiga có chiếc vòi kỳ lạ. Ảnh: ABC