Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kon Tum: Nhiều đơn vị nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng

(15:53:47 PM 31/05/2015)
(Tin Môi Trường) - Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã và đang làm “sống lại những cánh rừng”, nâng cao thu nhập cho người dân, tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng ở tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn vị nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng khiến việc thực hiện chi trả cho công tác trồng và bảo vệ rừng của địa phương gặp nhiều khó khăn.


Tính đến hết tháng 4/2015, có 9/11 đơn vị đang nợ tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 đến nay với tổng số tiền hơn 21,8 tỷ đồng


Tính đến hết tháng 4/2015, có 9/11 đơn vị đang nợ tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 đến nay với tổng số tiền hơn 21,8 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều đơn vị nợ với số tiền lớn như Nhà máy thủy điện Đăk Psi 4 (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi) nợ hơn 8 tỉ đồng từ năm 2011- 2015; Nhà máy thủy điện Đăk Ne (Công ty Cổ phần Tấn Phát) nợ 4 năm với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Đăk Pô Ne (Công ty Cổ phần đầu tư Điện lực 3) nợ hơn 2,1 tỷ đồng…


Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: "Nguyên nhân của việc các đơn vị chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 đến nay là do các đơn vị thủy điện nhỏ không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được phía Tập đoàn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nên không có tiền để thanh toán. Trong thời gian tới, nếu các đơn vị này tiếp tục không chịu chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ thì chúng tôi sẽ có công văn gửi Bộ Công thương để nhờ can thiệp".


Trong năm 2014, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thu được hơn 242,8 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân với số tiền hơn 19,8 tỷ đồng (trung bình mỗi hộ gia đình, cá nhân nhận được hơn 7,4 triệu đồng). Bên cạnh đó, với nguồn quỹ được nhận hàng năm, các công ty lâm nghiệp, các tổ chức đã có kinh phí kịp thời để triển khai giao khoán rừng cho các cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, từ nguồn quỹ được phân bổ năm 2014, các đơn vị này đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng hơn 18.469 hecta cho 33 cộng đồng dân cư với số tiền hơn 9,3 tỷ đồng (trung bình mỗi cộng đồng nhận được hơn 258,6 triệu đồng).


Có thể thấy, từ nguồn quỹ của dịch vụ môi trường rừng mà hàng năm các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư đã có một nguồn thu nhập ổn định. Đây là nguồn thu tương đối lớn so với tổng thu nhập của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng là người đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho các hộ gia đình yên tâm bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế khu rừng được giao, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong các thôn, làng người đồng bào dân tộc.

Quang Thái