Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cả tuần nay, một quán cà phê trong khu giải trí Kỳ Hòa (quận 10, TP HCM) trở thành địa điểm thu hút nhiều người đến chụp ảnh vì ở đây có một tổ rẻ quạt mới nở chim non!
Sự thật sau bức ảnh cảm động
Tổ chim nằm trên cành me được cột vào bờ rào, cách mặt hồ nước khoảng vài mét, bên trong có 2 con chim vừa nở khoảng hơn 1 tuần. Lúc chim cha mẹ đem mồi về mớm cho các con cũng là lúc các tay máy hoạt động hết công suất, tiếng “tạch tạch” hướng về phía tổ chim vang lên liên tục như những khẩu đại liên đang bắn hết cỡ vì ai cũng muốn mình bắt được khoảnh khắc tràn đầy tình mẫu tử này. Tổ chim được các tay máy di chuyển khắp nơi để có nhiều góc chụp khác nhau. Tuy hoảng sợ vì hiệu ứng âm thanh, ánh sáng từ máy ảnh nhưng chim cha mẹ sau mỗi lần đi kiếm mồi vẫn kiên trì bay tìm tổ để chăm con. Sau mỗi đợt chụp, các tay máy vui vẻ xem lại sản phẩm, bàn tán rôm rả, khoe nhau những bức ảnh bố cục đẹp, ánh sáng tốt… Ngoài kia, tổ chim vẫn bị phơi giữa trời nắng, trong cái nóng 35-36 độ C của Sài Gòn.
Khi con chim non chui vào đám lá ẩn nấp, người đàn ông này đã bắt ra ngoài để chụp cho dễ Ảnh: Minh Khanh
Chụp ảnh mẫu tử chán, nhóm nhiếp ảnh bắt chim non ra để trên cành để chụp những khoảnh khắc chúng tập bay. Bị bắt ra khỏi tổ, chim non sợ hãi, đứng run rẩy trên cành, thỉnh thoảng xòe cánh, rướn người nhưng không dám bay, rồi nấp dần vào đám lá cây. Nhóm nhiếp ảnh tỏ ra bực bội vì không chụp được nên một người đã đến bắt chú chim non đem ra đặt lại trên cành cây trơ trụi. Chưa hài lòng, cả nhóm yêu cầu người này phải quay chim ra ngoài để trông rõ mặt. Con chim nhỏ mệt nhoài, đứng lẩy bẩy trên cành.
Một nhân viên của quán cho biết tổ chim vốn nằm trên cành me, khá cao và khuất nẻo. Một vị khách quen của quán đã để lại số điện thoại, bảo khi nào chim nở thì gọi điện cho ông ta và sẽ được trả công. Khi tổ chim nở, người này gọi điện thoại thông báo và từ đấy, bi kịch của tổ chim bắt đầu...
Vài ngày sau, chúng tôi trở lại thì tổ chim chỉ còn 1 con nhưng sự hồ hởi từ các tay máy vẫn không suy giảm. Bởi, những tấm hình chim rẻ quạt sẽ được đưa lên các trang mạng xã hội và một vài diễn đàn với những lời tựa tha thiết về tình mẫu tử, về những khoảnh khắc đầu đời của những chú chim non… và sẽ nhận được vô số lời tán thưởng từ cộng đồng.
Phá hoại thiên nhiên
Thú chơi đầy nhẫn tâm này đang khiến các nhà bảo tồn hết sức lo ngại và lên án. TS Lê Khắc Quyết, Tổ chức Bảo tồn động - thực vật hoang dã quốc tế FFI, cho biết ngay cả giới khoa học khi quan sát chim cũng như các loài động vật hoang dã khác, đều được khuyến cáo cần có khoảng cách nhất định để không làm ảnh hưởng đến tập tính, đời sống của chúng. Việc can thiệp trực tiếp, thô bạo vào chim non và tổ chim như thế sẽ gây ra tác động tiêu cực. Có thể chim cha mẹ vẫn kiên trì tìm tổ để chăm con nhưng một số loài chim chỉ cần có hơi người là hoảng loạn, bỏ luôn cả tổ. Ngoài ra, việc đưa tổ chim xuống gần mặt đất, đến những nơi trống trải chẳng khác nào “nộp” chúng cho các loài thiên địch. “Đây là hành vi phá hoại thiên nhiên chứ không phải thú chơi hay nghệ thuật gì. Luật Đa dạng sinh học, Luật Phát triển rừng đều cấm các hành vi gây ảnh hưởng đến động vật hoang dã nhưng chưa có quy định cụ thể để xử lý các hành vi phá hoại này. Tuy vậy, tòa án lương tâm của mỗi người sẽ là nơi phán xét cao nhất!” - TS Quyết nhấn mạnh.
Theo TS Lê Mạnh Hùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, mỗi loài đều có vai trò, tầm quan trọng riêng về đa đạng sinh học nên không thể nói các loài quý hiếm mới cần bảo tồn, còn những loại phổ biến thì xâm hại thoải mái. Trong giới bảo tồn có câu nói nổi tiếng rằng “Hãy bảo tồn loài khi nó còn phổ biến!”. Những loài quý hiếm hiện nay cũng đã từng phổ biến nhưng do chúng ta không bảo vệ tốt mới thành quý hiếm. “Nếu ai cũng cắt cành, phá tổ, bắt chim non thì thiên nhiên còn lại gì?” - TS Hùng cảnh báo.
Có thể thành “dịch”
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu cho biết trào lưu chụp ảnh wildlife (ảnh động vật hoang dã) du nhập Việt Nam vài năm trở lại đây đã thu hút nhiều người yêu thích bộ môn nhiếp ảnh. Thế nhưng, nhiều người nghĩ nó là một thú chơi thời thượng và để muốn chứng tỏ bản thân, họ chọn cách sắp đặt như bẻ cành, dời tổ chim từ nơi khuất nẻo ra giữa trời để có tấm ảnh thật rõ, thật nét và dễ chụp. “Trong mắt người không chuyên, có thể đó là tấm ảnh đẹp vì nó không bị “nhiễu”. Tuy nhiên, giới chuyên môn và chuyên nghiệp sẽ ngay lập tức nhận ra sự bất hợp lý trong những bức ảnh này! Những việc làm gây tổn hại đến tự nhiên như vậy vừa vi phạm đạo đức của người chụp ảnh nói chung vừa vi phạm tôn chỉ của những người chụp ảnh wildlife” - ông Pẩu nói. Theo ông Pẩu, xu hướng chụp ảnh kiểu cắt cành, phá tổ có thể trở thành “dịch” trong xã hội vì nó đang lan truyền rất nhanh.