Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dự án quản lý chất hữu cơ khó phân hủy tại Việt Nam đã được khởi động
Dự án "Quản lý chất hữu cơ khó phân hủy (PCB) tại Việt Nam được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án gồm năm hợp phần: Hoàn thiện khung pháp lý quản lý PCB và Kế hoạch hành động quốc gia; Trình diễn quản lý PCB; Tăng cường năng lực; Giám sát và đánh giá; Quản lý dự án.
Dự án thực hiện với mục tiêu xây dựng năng lực quốc gia của Việt Nam nhằm quản lý PCB và lưu trữ an toàn một lượng lớn PCB tại các tỉnh trình diễn để tiêu hủy trong tương lai.
Trong kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm, Việt Nam cam kết thực hiện "Giảm thiểu được phát thải PCB vào môi trường; loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028. Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động liên quan như thực hiện các dự án thí điểm về quản lý PCB trong các thiết bị điện, đánh giá tổng quan về khung pháp lý liên quan, xây dựng phương pháp và kiểm kê PCB trong các thiết bị điện thải bỏ, nghiên cứu và ứng dụng thí điểm một số công nghệ xử lý chất thải chứa PCB.
Chất hữu cơ khó phân hủy có tên gọi Polyclobyphenyl viết tắt là (PCB), là một trong 21 nhóm chất của chất hữu cơ khó phân hủy (POP) quy định trong Công ước Stockholm.
Loại chất này có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người như ảnh hưởng về sinh sản, thần kinh, miễn dịch, ung thư, tổn thương gen; đồng thời do có đặc tính điện môi tốt, rất bền vững, không cháy, chịu nhiệt và sự ăn mòn hóa học, PCB được sử dụng khá phổ biến như một chất điện môi trong máy biến thế và tụ điện, chất lỏng dẫn nhiệt trong hệ thống truyền nhiệt và nước, chất làm dẻo trong ống nhựa và cao su nhân tạo, là thành phần trong sơn, mực in, giấy không chứa carbon, chất dính, chất bôi trơn, chất bịt kín trong các công trình xây dựng và chất để hàn. PCB cũng được sử dụng như chất phụ gia của thuốc trừ sâu, chất chống cháy (trong vải, thảm, bọt polyurethane...) và trong dầu nhờ (dầu kính hiển vi, phanh, dầu cắt...)
Con người bị nhiễm PCB chủ yếu thông qua thức ăn, nước uống bị nhiễm nhóm chất hữu cơ khó phân hủy hoặc do tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất này. Nhóm người dễ bị tổn thương nhất là những người nhạy cảm với hóa chất, như trẻ em hay người già và những người có hệ miễm dịch yếu. Nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là người lao động trực tiếp tiếp túc với PCB, thiết bị hoặc chất thải chứa PCB.
Ở người và các loài động vật có vú, nhóm chất hữu cơ khó phan hủy có thể di chuyển từ thế hệ trước sang các thế hệ sau qua quá trình mang thai và cho con bú. Vì vậy, tác hại do ô nhiễm nhóm chất hữu cơ khó phân hủy và PCB có thể rất lâu dài.
Đối với các loại PCB sử dụng dưới hình thức chất hóa học công nghiệp, Công ước Stockholm yêu cầu các bên tham gia loại bỏ việc sử dụng PCB vào năm 2025 và tiêu hủy các loại dầu, thiết bị và chất thải chứa PCB (với nồng độ cao hơn 50 ppm) theo cách thân thiện với môi trường trước năm 2028.