Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ngày 26/5, tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết, Trung tâm vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định cho phép tiến hành công tác khai quật, thám sát di chỉ khảo cổ vừa phát lộ tại khu vực núi Xuân Đài, xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Khu vực này cách Thành nhà Hồ khoảng 5 km về phía nam.
Theo ông Trọng, trong quá trình kiểm kê, khảo sát các di tích trong khu vực vùng đệm di sản thế giới Thành nhà Hồ đầu năm 2015, cán bộ của Trung tâm đã phát hiện nhiều dấu tích và di vật cổ có niên đại thế kỷ 14 đến 17 trên dãy núi Xuân Đài. Các dấu tích kiến trúc phần lớn đã xáo trộn do quá trình tác động của tự nhiên và con người nên nằm rải rác ở nhiều vị trí.
Ngói hoàng lưu ly (men vàng) trang trí hình rồng được phát hiện. Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cung cấp.
Những hiện vật được phát hiện gồm có ngói âm dương, ngói mũi sen đơn, ngói mũi sen kép, ngói mũi lá, ngói ống, ngói bò nóc. Đặc biệt, tại di chỉ này xuất hiện các loại ngói ống, ngói âm dương, ngói lá đề lớn có trang trí rồng rất tinh xảo được tráng men màu vàng (hoàng lưu ly) và tráng men màu xanh (thanh lưu ly) được phát hiện với số lượng lớn…
Ngoài ra, tại đây, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều đồ sành với phần miệng có gờ hơi loe, trên thân và cổ có trang trí hoa văn hình sóng nước, một số có núm trang trí có niên đại thế kỷ 14-15.
Ngói thanh lưu ly (men xanh). Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cung cấp.
Tiến sĩ Trọng cho biết thêm, việc phát hiện những dấu tích và vô số những di vật tại núi Xuân Đài là một phát hiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Thành Nhà Hồ.
Để bảo vệ và phát huy giá trị, khu vực cảnh quan quan trọng này cần tiếp tục được khảo sát, nghiên cứu. Trong đó, việc trước hết là cần thiết phải khai quật thám sát một số vị trí trung tâm để làm sáng tỏ quy mô, kiến trúc trước kia của quần thể di tích Chùa Du Anh - động Hồ Công.
"Điều này sẽ làm cơ sở bổ sung vào hồ sơ di sản thế giới Thành Nhà Hồ góp phần vào công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ gắn phát triển du lịch của địa phương", ông Trọng nói.