Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khảo sát vùng sinh thái
Quá trình xây dựng và thực hiện
Lâu nay, đa số dân cư ở vùng ven biển thường nghèo và sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi biển. Sự khai thác thiếu kiểm soát và theo những phương thức không khoa học khiến cho nguồn lợi ven bờ ngày càng trở nên cạn kiệt và môi trường biển bị tàn phá. Cuộc sống của người dân vì thế càng khó khăn và việc kiếm sống lại càng gây áp lực tới tài nguyên và môi trường thiên nhiên. Trong bối cảnh đó, DLSTCĐ được xem như một sinh kế bổ trợ giúp cho người dân ven biển có thể có công ăn việc làm và thu nhập thêm thông qua khai thác nguồn lợi biển một cách gián tiếp và thân thiện với môi trường. Thử nghiệm ban đầu ở vùng châu thổ sông Hồng (Nam Định và Thái Bình) cho thấy đây là hướng đi khả quan.
Trong giai đoạn khởi sự (2006-2009), dự án đã thành công trong việc xây dựng những nền tảng cho DLSTCĐ. Dự án đã đào tạo người dân địa phương ở vùng châu thổ sông Hồng nâng cao nhận thức và có ý thức bảo vệ môi trường, một nhóm nòng cốt khoảng 100 người có kỹ năng và kiến thức điều hành và quản lý các tua DLST tại nơi sinh sống của mình, cung cấp các dịch vụ DLSTCĐ như lưu trú tại nhà, ăn uống, văn nghệ, vận chuyển, quà tặng. Các sản phẩm tua DLSTCĐ được thiết kế và đã bước đầu thu hút được các khách du lịch là các nhà nghiên cứu môi trường và văn hóa, khách nước ngoài thăm và làm việc tại VN, sinh viên các trường đại học v.v… Riêng năm 2008, dự án đã thu hút được gần 400 khách du lịch với gần 50% là khách nước ngoài.
Trong giai đoạn cất cánh (2009-2011), dự án hướng tới hoàn thiện mô hình DLSTCĐ và vận hành mô hình dưới hình thức doanh nghiệp mà ở đó cộng đồng dân cư ven biển và các nhóm liên quan được nâng cao năng lực kinh doanh và thu được những lợi ích lâu bền về kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của mô hình cho các vùng ven biển khác. Dự kiến sau hai năm, sẽ có khoảng 1500 người dân địa phương được tham gia và hưởng lợi từ mô hình DLSTCĐ thông qua hình thức Hợp tác xã; doanh nghiệp ECOLIFE được thành lập và hoạt động tốt, trở thành kênh kinh doanh DLSTCĐ phục vụ cho mô hình; chia sẻ những bài học về xây dựng mô hình nông thôn mới cho các vùng ven biển Việt Nam nơi người dân có thể ly nông nhưng không ly hương, giảm áp lực của di dân tới các đô thị và góp phần tạo dựng lực lượng lao động có kỹ năng tại nông thôn, ổn định xã hội; những cá nhân tham gia mô hình có đủ năng lực và phẩm chất của doanh nhân xã hội, góp phần tạo dựng ra nhiều thế hệ doanh nhân xã hội cho đất nước.
Tác nhân cho sự thay đổi
Dự án ECOLIFE giai đoạn cất cánh đã được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) lựa chọn tham gia chương trình Hỗ trợ Doanh nhân Xã hội Việt Nam năm 2009. Chương trình này nhằm hỗ trợ sự phát triển của doanh nhân xã hội (là người sử dụng những phẩm chất, kỹ năng của doanh nhân để gây dựng và quản lý các tổ chức hoặc các doanh nghiệp nhằm giải quyết một vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể), thông qua việc đầu tư trực tiếp vào các doanh nhân xã hội trong giai đoạn ban đầu, đồng thời lôi cuốn sự tham gia của tất cả các chủ thể có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam.
Hai Doanh nhân xã hội đồng chủ trì thực hiện dự án này là chị Hồ Thị Yến Thu và chị Nguyễn Thu Huệ. Hai chị đã có gần 10 năm hợp tác và hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn biển. Từ năm 2005 đến nay, hai chị cùng làm việc tại một tổ chức phi chính phủ là Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), ở đó chị Thu Huệ là Giám đốc và chị Yến Thu là Phó Giám đốc. Sáng kiến ECOLIFE được khởi nguồn từ chính các kinh nghiệm và kết quả hoạt động của MCD thông qua dự án viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế và trong nước. Hy vọng ECOLIFE sẽ phát triển những ý tưởng đã được MCD thử nghiệm quy mô nhỏ để có thể tự vững và nhân rộng.
Hiện nay, sau một năm thực hiện, dự án đã đạt được các kết quả khả quan. Tại địa phương, Hợp tác xã DLSTCD Giao Xuân đang chuẩn bị được thành lập với sự tham gia tích cực của toàn bộ nhóm nòng cốt DLSTCD và sự ủng hộ của chính quyền và các cơ quan quản lý. Các hoạt động quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm DLSTCD ở Giao Xuân (Nam Định) và Nam Phú (Thái Bình) đang tạo được hiệu quả rõ rệt thông qua lượng du khách ngày càng tăng. Và một mốc quan trọng của dự án là ngày 13/9/2010, Doanh nghiệp xã hội Ecolife đã chính thức ra đời, với tên gọi Công ty TNHH Dịch vụ Sinh thái Ecolife, do chị Hồ Thị Yến Thu là Thành viên sáng lập kiêm Giám đốc điều hành và chị Nguyễn Thu Huệ là Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Sáng kiến phổ biến công nghệ thông tin và kiến thức môi trường cho cộng đồng
Ecolife Café là một sáng kiến do lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Vietnet, MCD và dự án ECOLIFE đề xuất nhằm thiết lập một Trung tâm thông tin du khách và giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu gắn với đời sống văn hóa và giải trí của cộng đồng tại địa bàn dự án ECOLIFE. Sáng kiến đưa ra mô hình quán Cà phê kinh doanh các dịch vụ ẩm thực tại chỗ, kết hợp với các góc thông tin miễn phí sử dụng máy tính kết nối internet và các bảng tin hay tủ sách cập nhật kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu, các sinh kế bền vững v.v… do người dân thuộc nhóm nòng cốt DLSTCĐ vận hành dưới sự hỗ trợ và giám sát của cộng đồng. Thông qua Ecolife Café, nhóm đề xuất dự án mong muốn đem lại giá trị gia tăng cho các hoạt động DLSTCĐ tại địa phương, kích thích tính sáng tạo trong kinh doanh DLSTCĐ, đồng thời tạo cơ hội và khuyến khích cộng đồng dân cư tiếp cận công nghệ thông tin và kiến thức mới, góp phần tăng chất lượng cuộc sống.
Sáng kiến này đã được Dự án IBoP châu Á hỗ trợ để thực hiện thí điểm tại xã Giao Xuân (Nam Định) là một trong các địa bàn dự án ECOLIFE từ 12/2009 đến 10/2010. Vietnet, MCD và ECOLIFE hy vọng mô hình sẽ thành công và được nhân rộng.