Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ưu tiên dự án đầu tư thân thiện môi trường

(18:23:53 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những dự án sử dụng ít nhiên liệu, không thâm dụng nhiều lao động rẻ, có đóng góp giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường... sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Khi Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự thay đổi về định hướng thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 

- Gần đây, đã có những quan ngại về chất lượng của một số dự án FDI. Có người cho rằng, đó là hậu quả của dòng vốn FDI ồ ạt chảy vào Việt Nam. Xin cho biết ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?


Đúng là gần đây có một số vụ gây ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp FDI và việc một số doanh nghiệp FDI đăng ký nhưng không thực hiện cam kết, gây lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, nếu coi đó là tình trạng chung và là hậu quả của dòng vốn FDI thì cần phải xem xét lại. Tôi cho rằng, nói như thế là đã phủ nhận những gì dòng vốn FDI mang lại cho đất nước trong 20 năm qua.


Hai thập kỷ trước, chúng ta đưa ra chính sách thu hút đầu tư khá thoáng, rộng trên mọi lĩnh vực là hợp lý. Tuy nhiên, mỗi chính sách đều chỉ đúng trong những thời điểm nhất định và đến một lúc nào đó cũng cần phải thay đổi cho phù hợp hơn. Chính sách thu hút FDI cũng vậy, đây là lúc cần thay đổi để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Trước đây, chúng ta có những lợi thế về nguồn lao động dồi dào, rẻ, vị trí địa lý thuận lợi và có nhiều đất dành cho phát triển công nghiệp. Nhưng những thứ đó không phải là vô hạn và nếu chúng ta cứ tiếp tục chính sách cũ, tức là nhắm vào các dự án FDI thâm dụng lao động rẻ và chiếm nhiều diện tích đất thì nguy to.


Do đó, định hướng trong thời gian tới là bắt đầu thu hút có chọn lọc: chọn lọc về công nghệ, chọn lọc những dự án có đóng góp giá trị gia tăng cao và chọn lọc những dự án thân thiện với môi trường. Những dự án sử dụng ít nhiên liệu, không thâm dụng nhiều lao động giá rẻ cũng sẽ được ưu tiên. Có như vậy mới đáp ứng được tính bền vững.


Thứ hai, khuyến khích các nhà đầu tư đi thành những cụm công nghiệp và dịch vụ phụ trợ đi liền. Khi các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực tập trung thành cụm mới có thể nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ và giảm được thâm hụt cán cân thương mại do phải nhập khẩu quá nhiều nguyên vật liệu phụ trợ phục vụ sản xuất trong nước. Đồng thời, chi phí cho vận tải hàng hóa cũng rẻ đi, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.


- Vậy làm thế nào để đảm bảo thực hiện đúng định hướng thu hút FDI đó trong thời gian tới, thưa ông? 


Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét thay đổi các chính sách và khung pháp lý trong thu hút đầu tư FDI. Chúng tôi đã bắt đầu có những chính sách đặc biệt riêng cho những nhà đầu tư mà chúng tôi cho rằng, dự án của họ mang lại lợi ích quốc gia, đáp ứng được kỳ vọng về thu hút đầu tư theo chủ trương mới là có chọn lọc.


- Trong bối cảnh giá nhân công tại Trung Quốc đang tăng lên, ông có cho rằng, các dự án đầu tư thâm dụng lao động giá rẻ và công nghệ thấp, trái ngược với định hướng của Việt Nam, sẽ tăng cường đổ vào Việt Nam?


Hiện đang có sự thay đổi lớn đối với dòng vốn FDI khi Trung Quốc đã bước lên một nấc thang giá trị sản xuất cao hơn. Họ bắt đầu chọn lọc và loại thải những dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ thấp, nhiều lao động và dựa vào đồng lương thấp của người công nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc một loạt nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất chế biến sẽ phải chạy về đâu đó, thay vì tiếp tục đầu tư tại Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư trong số đó bắt đầu nhắm đến thị trường tiêu thụ và giá nhân công rẻ của Việt Nam. Đây là một cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam.


Thực tế thì dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây đã có những thay đổi đáng kể về chất. Đã có sự xuất hiện của nhiều dự án sản xuất điện tử công nghệ cao, các dự án sản xuất phần mềm và cả các dự án sản xuất năng lượng sạch. Điều đó có nghĩa là, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu nhìn nhận Việt Nam như một mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.


Mặc dù nguồn nhân lực tay nghề cao ở Việt Nam vẫn còn bị hạn chế, nhưng sự xuất hiện của các dự án công nghệ cao đó cho thấy, các nhà đầu tư cũng đánh giá cao sự tiến bộ về chất lượng nguồn nhân công tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Intel, General Electrics, Samsung Electronics, Compal và gần đây nhất là First Solar đã chứng minh điều đó.


Những nhà đầu tư trên đầu tư vào Việt Nam không chỉ đơn thuần nhắm vào thị trường trong nước, mà chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Dựa vào những động thái tích cực từ các nhà đầu tư đó, chúng tôi cho rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong thu hút FDI. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng vào thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia như Intel hay Samsung Electrics, những tập đoàn có khả năng mang lại công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.


- Gần đây, một số tập đoàn xuyên quốc gia như HP, Samsung, Robert Bosch và Nokia đã và đang chuẩn bị đầu tư các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Việc tăng cường hoạt động R&D tại Việt Nam có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của Việt Nam, thưa ông?


Đây thực sự là một tín hiệu tích cực đối với Việt Nam. Sự hiện diện của các tập đoàn này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình R&D của Việt Nam. Việc các tập đoàn lớn xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam sẽ tạo động lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và làm định hướng cho hệ thống giáo dục của chúng ta. Mặc dù số lượng các tập đoàn đặt trung tâm R&D tại Việt Nam vẫn còn ít và quy mô còn nhỏ, nhưng đây chính là tiền đề để Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều hoạt động R&D của các tập đoàn khác. Từ đó, phát triển những công nghệ và sản phẩm hoàn toàn mới chính tại Việt Nam thay vì chỉ đơn thuần là làm gia công như trước đây.

 

Tôi cho rằng, chúng ta cần phải có sự thay đổi từ khung pháp lý. Khung pháp lý hiện nay phù hợp với quá khứ, nhưng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Hiện nay, nhà đầu tư chất lượng kém, năng lực kém cũng được đối xử ngang bằng những nhà đầu tư chất lượng cao và thực sự có năng lực. Như vậy tức là chúng ta đã không có sự chọn lọc từ chính sách. Hơn nữa, nhiều địa phương luôn muốn đưa con số FDI như một chỉ số kinh tế, chính trị, mà tôi cho rằng, có lẽ yếu tố chính trị được nhấn mạnh hơn, từ đó dẫn đến tình trạng nhiều nhà đầu tư yếu năng lực mang vào những dự án ảo.

Theo Báo Đầu Tư