Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những người làm thuê của gia đình ông Nguyễn Văn Cường (xã Ea Kpam, Cư M’Gar, Đắk Lắk) dựng thêm trụ tiêu trong vườn cao su mới được phá bỏ - Ảnh: Trung Tân
Không chỉ chặt cà phê, cao su để trồng tiêu, nhiều nông dân còn phá bỏ cả sân patin, lấp ao để lấy đất trồng loại cây này với hi vọng sẽ cho thu nhập bạc tỉ trong thời gian tới.
Chúng ta đang đi vào vết xe đổ của Ấn Độ và Indonesia trước đây, đó là ồ ạt trồng tiêu mà ít để ý đến chất lượng. Khi sản lượng tăng quá nhanh, thị trường tiêu sẽ sụp đổ và hậu quả nhiều năm sau vẫn chưa giải quyết xong
Ông Đỗ Hà Nam (chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN)
Quy hoạch trồng tiêu của các địa phương liên tiếp bị phá vỡ trước hàng chục năm, các dịch vụ ăn theo như bán cây sống, xẻ gỗ rừng, vật liệu xây dựng... làm trụ tiêu cũng lên “cơn sốt”.
Cày cả sân patin... để trồng tiêu
Sáng 14-5, sau một trận mưa vào chiều hôm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (trú xã Ea Kpam, Cư M’Gar, Đắk Lắk) đã thuê năm người để dựng thêm hơn 500 trụ tiêu trong vườn nhà. Số trụ tiêu này được trồng trên diện tích trồng cao su đã tám năm tuổi.
“Giá mủ xuống thấp quá, cao su năng suất thấp nên chúng tôi quyết định phá bỏ để trồng tiêu” - ông Cường giải thích.
Vườn cao su của ông Cường đã lớn, cây có đường kính 30 - 40cm. Gia đình ông Cường không phá bỏ những cây cao su này mà tận dụng chúng làm trụ tiêu sống. Ở giữa hai hàng cao su, ông Cường trồng thêm một số trụ gỗ. “Vùng này nhiều người đã bỏ cao su để trồng tiêu vì giá mủ cao su xuống quá thấp, không đủ chi phí. Hi vọng giá tiêu sẽ ổn định trong vài năm tới thì gia đình tôi sẽ bù lỗ được chi phí đã lỡ đầu tư cây cao su” - ông Cường chia sẻ.
Tương tự, gia đình ông Đào Xuân Vinh (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) đã chuyển đổi toàn bộ hơn 2ha cà phê già cỗi sang trồng tiêu. Hàng ngàn trụ tiêu của gia đình ông đã cho thu hoạch, lứa tiêu nhỏ nhất đã bắt đầu cho thu bói.
“Năng suất cà phê quá thấp, giá tiêu lại đang cao nên gia đình tôi quyết định dành toàn bộ diện tích đất gia đình trồng tiêu. Nếu tiêu không bị sâu bệnh, cho hạt đều và giá cả ổn định như hai năm trở lại đây thì năm tới gia đình tôi sẽ thu bạc tỉ” - ông Vinh phấn khởi.
Không chỉ cao su, cà phê bị chặt bỏ để trồng tiêu, người dân Tây nguyên đang tận dụng mọi mảnh đất đủ điều kiện để trồng tiêu.
Ngôi nhà ông Hồ Văn Khắc mới mua nằm ngay con đường liên xã có một sân trượt patin rộng 400m2. Xét thấy dịch vụ cho thuê sân trượt môn thể thao này không thấm vào đâu so với thu nhập từ hạt tiêu đang ở mức lịch sử, ông Khắc đã cho máy vào khoan toàn bộ nền bêtông trong sân, nhờ xe tải chở đất đỏ về đổ nâng cao lên để trồng tiêu. Với diện tích mới được cải tạo cùng với diện tích đất xung quanh, bờ rào..., ông Khắc đúc hơn 100 trụ bêtông chuẩn bị trồng tiêu trong đợt mưa tới...
Cách nhà ông Khắc không xa, ông Phạm Ngọc Bính (xã Phú Xuân, Krông Năng) đã cho máy múc lấp luôn một cái ao và ruộng lúa để lấy đất trồng tiêu. Do đất thấp, ông Bính phải thuê xe tải chở hàng chục xe đất đỏ từ nơi khác về đổ lên trên mặt ao dù đất ruộng không hợp với trồng tiêu, dễ úng nước.
“Gia đình tôi đã có khoảng 300 trụ tiêu cho thu hoạch, đất gia đình có đã trồng tiêu hết, chỉ còn cái ao, đám ruộng không cho thu nhập thì lấp đi để trồng tiêu sẽ có lợi hơn. Với gia đình bốn người, có khoảng 500 trụ tiêu cho thu hoạch sẽ sống sung túc, nhàn hạ hơn làm cà phê” - ông Bính tính toán.
Vỡ quy hoạch
Theo Hiệp hội Hồ tiêu VN, giá tiêu tăng liên tục kể từ năm 2007 đến nay và thiết lập những kỷ lục mới đã thúc đẩy người dân mở rộng diện tích ồ ạt. Tại nhiều nơi có điều kiện (đất và gần nguồn nước), người dân có điều kiện đều sẵn sàng chặt bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng tiêu. Ngay cả những khu vực không thích hợp, người dân vẫn trồng tiêu do lợi nhuận từ loại cây trồng này quá cao.
Diện tích trồng tiêu cả nước vừa qua đã tăng lên nhanh chóng, hiện đạt 80.000ha và chưa có dấu hiệu dừng lại. Diện tích này đã vượt xa con số mà Bộ NN&PTNT quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. “Với tốc độ này, chỉ vài năm nữa nguồn cung tiêu của VN sẽ tăng thêm cả trăm ngàn tấn, lúc đó thì bán cho ai. Phát triển hồ tiêu của VN đang quá nóng và quá nguy hiểm” - ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết.
Một cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng chưa có thống kê chính thức về diện tích cà phê, cao su bị đốn hạ để trồng tiêu. Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt chuyển đổi toàn bộ diện tích đất (cao su, cà phê) sang trồng tiêu hết sức nguy hiểm vì sẽ không có nguồn thu trong 2 - 3 năm đầu, cây tiêu dễ chết hàng loạt trong khi đầu tư ban đầu quá lớn.
Ngoài ra, năm 2014 có gần 2.000ha tiêu bị nhiễm bệnh, hàng trăm hecta tiêu chết hàng loạt. Năm 2015 chưa có thống kê nhưng tỉ lệ tiêu bị nhiễm bệnh, chết cũng rất lớn. “Người dân trồng cây gì là quyền của họ. Thấy cây tiêu đang được giá thì họ đua nhau trồng, chỉ sợ những năm tới giá tiêu hạ, người dân lại phá bỏ tiêu để trồng bắp, hoa màu... như từng xảy ra với các loại cây khác” - vị này lo lắng.
Ông Trịnh Tiến Bộ - trưởng phòng trồng trọt Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk - thông tin thêm dù còn năm năm nữa mới hết thời gian quy hoạch nhưng hiện diện tích hồ tiêu của tỉnh đã vượt khoảng 1.000ha (quy hoạch đến năm 2020 là 15.000ha). Dự báo hết năm 2015 diện tích tiêu toàn tỉnh sẽ còn tăng thêm khoảng 2.000ha nữa, quy hoạch đã bị phá vỡ hoàn toàn.
“Nhưng điều đáng lo ngại trong việc vỡ quy hoạch không phải là diện tích tăng quá nhanh, không thể kiểm soát mà là việc mở rộng diện tích tràn lan tiềm ẩn nhiều nguy cơ về năng suất, chất lượng, dịch bệnh. Giá tiêu quá cao nên người dân đua nhau trồng tiêu ở bất cứ đâu, bất chấp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng có cho phép hay không. Tuy nhiên, cây tiêu rất mẫn cảm, nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật, trồng không đúng nơi, cây sẽ nhiễm bệnh, chết hàng loạt hoặc cho năng suất rất thấp” - ông Bộ phân tích.
Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, cho biết không chỉ tăng nóng về diện tích, phát triển ngành tiêu của VN thời gian qua tiềm ẩn rủi ro rất cao vì cả nông dân và doanh nghiệp đều chạy theo năng suất và sản lượng thay vì chất lượng. “Tỉ lệ tiêu chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế không tăng, điều này tạo ra rủi ro cực lớn khi nguồn cung tiêu trên thế giới dư thừa” - ông Nam cảnh báo.