Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ
Anh Nguyễn Trường Xuân, khu 10, xã Bằng Giã, cho biết: Nước giếng của gia đình khi bơm lên mặt đất có mùi thối, tanh, để lâu chuyển thành váng có màu vàng. Khi cho một lượng nhỏ nước chè vào, lập tức nước chuyển thành màu tím đen hoặc nếu sử dụng để luộc rau, nước chuyển thành màu xanh lá cây khiến gia đình anh rất lo lắng.
Trước đây, khi không biết nguồn nước giếng bị ô nhiễm, gia đình anh Xuân và nhiều hộ dân trong xã vẫn sử dụng để sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Nhưng từ khi phát hiện thấy hiện tượng bất thường, gia đình anh đã dừng không sử dụng nguồn nước này ăn uống mà chỉ để tắm giặt, vệ sinh chuồng trại. Không có nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh, gia đình anh Xuân và nhiều hộ dân gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt bởi hàng ngày phải vào các nhà dân tại khu vực đồi gò, cách nhà 3-4 km để xin nước về ăn uống.
Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đã lấy 6 mẫu nước giếng khoan, giếng đào của các hộ dân tại khu 8, 10 xã Bằng Giã để phân tích đánh giá chất lượng nước ngầm. Kết quả tại khu 10, cả 3/3 mẫu nước ngầm đều có nồng độ amoni vượt giới hạn cho phép từ 27,3 - 33,9 lần; nồng độ manggan vượt giới hạn cho phép 1,26 lần. Tại khu 8, cả 2/2 mẫu nước có nồng độ amoni (NH4-) vượt giới hạn cho phép từ 5,15 - 18,4 lần.
Ông Phạm Duy Công, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Giã cho biết: Toàn xã có 5 khu dân cư, với trên 400 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ngầm ô nhiễm, trong đó nặng nhất là khu 8 và khu 10. Hầu hết các hộ ở đây đều phải đi xin hoặc mua nước từ nơi khác về phục vụ sinh hoạt. Xã đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt ăn uống hàng ngày.
Theo ông Công, hiện công trình cấp nước sạch duy nhất của xã được đầu tư từ nhiều năm trước, đến nay đã xuống cấp không sử dụng được. Hàng trăm hộ dân và các trường học, trạm xá trên địa bàn đang không có nước phục vụ sinh hoạt, cuộc sống rất khó khăn. Xã đã kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe; đồng thời đề nghị chính quyền nhanh chóng quan tâm đầu tư hệ thống nước sạch để phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân xã Bằng Giã và một số xã lân cận.
Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn nước bị nhiễm amoni là do các hợp chất chứa nitơ có trong chất thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất thải ra môi trường ngày càng nhiều. Dưới tác động của các vi sinh vật, chúng chuyển hóa thành amoni. Amoni nhờ nước mưa dần thẩm thấu qua đất, ngấm vào các mạch nước ngầm và nằm yên ở đó cho tới khi được khai thác lên.
Ở trong nước ngầm, amoni không thể chuyển hóa được do thiếu oxy. Khi khai thác lên, vi sinh vật trong nước nhờ oxy trong không khí chuyển amoni thành các nitrat (NO2-), nitrit (NO3-) tích tụ trong nước ăn. Nếu ăn uống nước có chứa nitrit, cơ thể sẽ hấp thu nitrit vào máu và chất này sẽ tranh oxy của hồng cầu làm hêmoglobin mất khả năng lấy oxy, dẫn đến tình trạng thiếu máu, xanh da. Vì vậy, nitrit đặc biệt nguy hiểm cho trẻ mới sinh dưới sáu tháng, vì có thể làm chậm sự phát triển, gây bệnh ở đường hô hấp của trẻ.
Đối với người lớn, nitrit kết hợp với các axit amin trong thực phẩm làm thành một hợp chất nitrosamin. Nitrosamin có thể gây tổn thương di truyền tế bào, nguyên nhân gây bệnh ung thư. Những thí nghiệm cho nitrit vào thức ăn, nước uống của chuột, thỏ... với hàm lượng vượt ngưỡng cho phép, sau một thời gian thấy những khối u sinh ra trong gan, phổi, vòm họng của chúng.