Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hiện trường dự án lấp lấn sông Đồng Nai - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Vụ việc bắt đầu từ bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án lấp sông Đồng Nai được TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam phát hiện sao chép từ ĐTM của dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng. GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên TP.HCM đứng tên trong nhóm tác giả của bản ĐTM sao chép nói trên.
Giải thích với PV trên Báo Người Lao Động số ra hôm qua (14.5) về việc sao chép ĐTM, GS Phước cho rằng: "Kết luận nào mà chả giống nhau. Vì các ĐTM đều thực hiện theo mẫu Thông tư 26/2010 của Bộ TN-MT hướng dẫn". Đặc biệt, trước câu hỏi của PV rằng đây là dự án đang được dư luận rất quan tâm, ông Phước nổi nóng trả lời: "Dư luận là ai? Toàn mấy kẻ phá hoại thôi”.
“Không phải là người có văn hóa phản biện và tiếp thu phản biện”
*Ông nhận xét gì về giải thích của GS-TS Phước, nói như vậy thì ĐTM nào cũng giống nhau?
- Thông tư 26/2010 của Bộ TN-MT hướng dẫn nội dung cơ bản báo cáo ĐTM về cấu trúc giống nhau, trong đó có những điểm chủ yếu cần phải làm rõ là đánh giá các tác động bất cập của dự án, đánh giá các biện pháp giảm thiểu tác động, có thể khắc phục được và không thể khắc phục, các cam kết nếu ĐTM được thông qua...
Dự án lấn sông Đồng Nai hoàn toàn khác dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng về mục tiêu, quy mô, nội dung đánh giá các tác động đến môi trường ở mức độ khác nhau do đặc thù công việc nên biện pháp giảm thiểu cũng khác nhau. Nên nói "kết luận nào chả giống nhau" là ngụy biện. Chẳng lẽ, dự án tác động lớn đến môi trường cũng không khác gì dự án ít tác động hoặc tác động không đáng kể? Trong mọi mặt đời sống, xã hội cho đến khoa học sự sao chép từng câu chữ là khó chấp nhận được. Làm khoa học càng cần có những quan điểm khoa học của riêng mình không thể sao chép y nguyên được.
*Ông nhận xét gì về phát biểu "dư luận toàn mấy kẻ phá hoại thôi" của GS-TS Phước?
- Tôi cảm thông chia sẻ với GS Phước khi bị công luận phản bác sản phẩm của mình. Nhưng là chuyên gia, là nhà khoa học có học hàm GS càng cần điềm tĩnh hơn. Nhận định, đánh giá của công chúng, của các nhà khoa học có thể sai, có thể đúng. Nhưng không nên đánh đồng, không nên phủ nhận sạch trơn như thế được. Dư luận có cái nhìn của dư luận, khoa học nhìn nhận theo cách của nhà khoa học. Một người dân, người ta có thể nhìn thấy những ảnh hưởng của công trình dựa trên trực quan, thậm chí thực tế cuộc sống còn sâu sắc hơn người ngồi trong phòng máy lạnh “chém gió”.
Còn nhà khoa học nhìn nhận dựa trên kinh nghiệm nhiều năm, trải qua nhiều dự án, đề tài khoa học, có cơ sở khoa học. Có những hiện tượng khoa học chỉ cần định tính thôi đã tương đối rồi. Định lượng, tính toán là để khẳng định lại nhận định đó mà thôi. Là người làm khoa học càng cần tôn trọng, tiếp thu xem người ta nói gì, mình làm hết chưa, đúng, sai ở đâu. Phản ứng của GS Phước không phải là người có văn hóa phản biện và tiếp thu phản biện.
Những sai lầm của báo cáo ĐTM
*Theo ông sai lầm lớn nhất của báo cáo ĐTM lấp sông Đồng Nai là gì?
- Lỗ hổng lớn nhất của báo cáo ĐTM là phần thiết lập mô hình toán thủy lực nhiều sai lầm (không phải chuyên gia môi trường nào cũng hiểu lĩnh vực chuyên sâu này). Mô hình dòng chảy được thiết lập trong phạm vi quá nhỏ, các biên gần ngã ba dễ bị ảnh hưởng của điều kiện biên. Chưa đưa vào mô phỏng ảnh hưởng của công trình (co hẹp khu vực cầu Ghềnh, Rạch Cát, Hiệp Hòa, Hòa An), dẫn tới các kết quả không đủ độ tin cậy. Không có phân tích tần suất lũ, cạn để chọn năm điển hình cho tính toán. Về nguyên tắc, trong vùng triều, đặc biệt là có xả nước từ hồ Trị An thì khi triều xuống vận tốc max phải lớn hơn vận tốc max lúc triều lên. Tuy nhiên kết quả trong báo cáo lại ngược lại không có giải thích, triều lên vận tốc dòng chảy là 0,926 m/giây, thủy triều xuống vận tốc dòng chảy là 0,871 m/giây.
Phương pháp đánh giá khả năng tự làm sạch như trong báo cáo không phù hợp với vùng triều, vì khi đổi dòng, vận tốc dòng chảy gần như bằng 0 và nước thải xả vào lúc này không được hòa loãng sẽ gây ô nhiễm nặng. Trong vùng và lân cận có các nhà máy cấp nước có thể chịu ô nhiễm mặn nhưng không thấy được đánh giá. Việc tính toán thủy lực cho từng giai đoạn (3 giai đoạn) thi công cũng chưa được đề cập để có các biện pháp giảm thiểu và bắt buộc tuân thủ.
Dự án cho khảo sát địa hình từ mặt cắt MC08 về hạ lưu còn phần thượng lưu lại không có, cũng không có đánh giá gì về biến đổi hình thái khu vực này. Kết quả chập mặt cắt cho thấy khu vực hạ lưu này hầu hết địa hình đều có hiện tượng bị hạ thấp (1 - 3 m), hoặc một số đoạn tim sông bị lệch. Dự án chưa có những đánh giá cụ thể hơn về nguyên nhân hạ thấp và dự báo được nguy cơ hạ thấp, xói sạt tiếp theo có thể diễn ra như thế nào? Mô hình toán không được hiệu chỉnh. Tính ra vận tốc chỉ khoảng 0.1 - 0.2 m/giây ở khu vực này là quá sai. Một yếu điểm rõ rệt là vật liệu đáy khu vực không đồng nhất. Giữa dòng là cát thô (D50~1 mm), 2 bên bờ là bùn, cát mịn (D50 = 0.01 - 0.6 mm). MIKE 21 không có khả năng tính bùn cát hỗn hợp. Nghiên cứu đã lấy giá trị trung bình (D50 = 0.35 mm - cát mịn) để tính. Rõ ràng cát và bùn có tính chất cơ lý khác hẳn nhau và cơ chế vận tải của chúng cũng khác nhau. Dùng giá trị bình quân làm mô hình sẽ chẳng trúng vào chỗ nào cả.
Dự án chưa đánh giá được nguy cơ bồi, xói của các khu vực làm thay đổi tỷ lệ phân lưu giữa hai nhánh sông tại Cù Lao Phố. Nguy cơ xảy ra có thể sông nhánh bị lấp, mất an toàn cầu Rạch Cát, Hiệp Hòa. Nguy cơ xói đầu Cù Lao Phố, kè bờ sông đối diện do dòng chảy áp sát, mất an toàn chân và mố cầu Ghềnh...
Báo cáo ĐTM còn rất nhiều khiếm khuyết, không đủ tin cậy nhưng báo cáo vẫn đưa ra các khuyến nghị rất viển vông.