Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đồng Tháp: Sạt lở công trình chống sạt lở

(07:51:10 AM 14/05/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 13.5, bờ sông Tiền đoạn qua xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) lại tiếp tục sạt lở sâu vào bờ, nhấn chìm nhà dân. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, sạt lở (SL) “ngoạm” bờ sông Tiền tại vị trí giữa mỏ hàn số 3 và số 4 của công trình kè chống SL trị giá hàng trăm tỉ đồng.

 Đồng Tháp: Sạt lở công trình chống sạt lở

Hiện trường vụ sạt lở ngày 13.5. Ảnh: L.T

 

Sạt lở dồn dập


Bí thư chi bộ ấp An Thuận Ngô Thanh Song cho biết, sạt lở bắt đầu vào khoảng 5h ngày 11.5, ăn sâu vào bờ 20-30m, dài 50m, giật chìm 1 căn nhà xuống lòng sông”. Theo anh Nguyễn Văn Hiệp, SL xảy ra tại hai bờ rạch Cái Tôm Ngang, ranh giới tự nhiên của hai ấp An Thuận và An Thạnh của xã An Hiệp. “Sau tiếng động lớn từ bờ sông vọng vào khiến cả xóm bị đánh thức, là liên tiếp những tiếng chát chúa của những khối đất đổ ập xuống làn nước mênh mông. 


Trong ánh sáng lờ mờ thấy ngôi nhà của anh Lư Ngọc Hùng bên kia con rạch (ấp An Thạnh) đổ ập xuống sông. Liền theo đó, bên này con rạch (ấp An Thuận) nhà anh Tống Thanh Phúc cũng bị SL nhấn chìm mất dạng”. Cũng vào thời điểm này, tại cùng vị trí trên, liên tiếp hai ngày hôm sau đó (12 -13.5), SL tiếp tục tấn công với tổng diện tích ngày càng lớn.


Theo thống kê của UBND xã An Hiệp, tuy không gây thiệt hại tính mạng, nhưng 3 ngày SL đã làm mất hơn 2.000m2 đất, thiệt hại 5 căn nhà và nhiều vật dụng, buộc gần 20 căn khác phải di dời khẩn cấp. Ước tổng thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên với nhiều vết nứt tại hiện trường cho thấy nạn SL vẫn như chưa chịu dừng…


Đừng để “sạt lở” niềm tin


Theo UBND xã An Hiệp, đây là vụ sạt lở thứ 2 liên tiếp trên địa bàn ấp An Thuận từ đầu năm đến nay, và là vụ sạt lở thứ 7 trong 2 năm gần đây tại các mỏ hàn và kè bảo vệ bờ sông Tiền thuộc địa phận xã An Hiệp. Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn đến ngân sách mà còn dồn đẩy nhiều người dân nơi đây vào thế “chân tường”.


Sau khi xảy ra SL, địa phương đã huy động lực lượng ứng cứu, giúp người dân di dời đến ở tạm tại công trình trường học không sử dụng từ nhiều năm qua, chờ phân nền tái định cư. Tuy nhiên, không nhiều người còn đủ sức cho cuộc chuyển đổi này. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng tất cả dường như đã đuối.


Ông Tống Văn Sanh (78 tuổi), chia sẻ: “Trận SL làm đại gia đình tôi phải di dời 5 căn nhà cùng lúc. Do chỉ sống bằng nghề bắt ốc, hái rau đủ sống qua ngày, nên khó đủ tiền để cất nhà mới trong khu dân cư”. Theo ông Sanh, nếu được hỗ trợ, cất được nhà thì cũng khó sống vì không còn gần môi trường kiếm sống quen thuộc. Trong khi đó những hộ khá giả hơn thì lại vướng khó khăn khác.


Vẻ mặt buồn và thất vọng bên xác căn nhà trị giá cả trăm triệu đang chờ đổ ập xuống sông, chị Nguyễn Hồng Phượng (nhà số 11 ấp An Thuận) chia sẻ: “Phải gom góp tích cóp mới đủ tiền xây căn nhà tường để ở cả đời. Nhưng mới sử dụng được 2 năm thì… nhà mất, mà tiền cũng hết”. Ông Song - Bí thư chi bộ ấp An Thuận giải thích thêm: “Sau nhiều năm bị sạt lở đe dọa, nhiều gia đình phải chuyển nhà 3-7 lần. 


Vì vậy, khi thấy Nhà nước đầu tư công trình kè chống SL bờ sông, bà con mừng và tin tưởng nên đã dốc hết tiền tích cóp để đầu tư ngôi nhà khang trang. Thế nhưng, công trình chống SL này lại vẫn bị SL, “phá” nhà, khiến nhiều người đã kiệt quệ cả vật chất lẫn tinh thần”. Công trình chống SL đầu tư tốn kém tiền của ngân sách lại đang làm SL niềm tin của những người dân nơi đây.

LỤC TÙNG(LĐ)