Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
TS Vũ Ngọc Long, viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng dự án lấn sông Đồng Nai vi phạm các luật, cần dừng để sửa sai. Cách sửa sai duy nhất là dừng dự án, móc đất dưới sông lên - Ảnh: X.Long
Các nhà khoa học, chuyên gia đã cùng phân tích dự án này tại hội thảo “Phát triển bền vững lưu vực sông - thách thức và giải pháp” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tổ chức chiều 12-5.
Lấn sông để xây nhà bán
Nêu thẳng vấn đề liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai, TS Vũ Ngọc Long - viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người đại diện cho nhóm các nhà khoa học của Mạng lưới sông ngòi VN nghiên cứu độc lập về dự án lấn sông Đồng Nai - khẳng định dự án này đã không xem xét đầy đủ các khu vực bị ảnh hưởng, xem nhẹ ý kiến cộng đồng.
“Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chỉ trình bày vắn tắt và sơ sài ý kiến tham vấn 20 hộ dân sống trong vùng thi công. Khi các nhà khoa học vào cuộc tham vấn rộng rãi cho thấy dự án này rất xem nhẹ việc tham vấn cộng đồng và trí thức bản địa” - ông Long nói.
Theo TS Long, dự án lấn sông Đồng Nai có diện tích 8,4ha, trong đó có tới hơn 91% diện tích là lấn sông.
“Báo cáo đánh giá tác động môi trường có nhiều khuyết điểm cả về tính khoa học kỹ thuật và mô tả tác động, dường như không thể chấp nhận được. Nội dung báo cáo rất sơ sài, thiếu nhiều số liệu, dữ liệu cần thiết” - TS Long nói.
Cũng theo ông Long, khu vực dự án lấn sông là một vùng sinh thái rất nhạy cảm. Bản chất việc thực hiện cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai là dự án xây mới cơ sở hạ tầng, mà ý đồ chính là xây dựng một đô thị phát triển trên sông chứ không còn là làm kè ven sông.
“Dự án nêu ra chỉ xây dựng 30% là đô thị nhà ở, còn lại xây dựng cảnh quan ven sông. Câu hỏi rất đơn giản nếu không có cảnh quan bên sông thì có bán được nhà không? Vì vậy, mục đích lấn sông chính là xây nhà để bán” - ông Long khẳng định.
Vi phạm luật: dừng dự án và móc đất dưới sông lên
Ngay đoàn công tác của bốn bộ khi vào khảo sát cũng có nhận định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là không tin cậy.
TS Long nói: “Có ý kiến nói phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên nếu dự án đã vi phạm các luật thì việc làm lại báo cáo không có ý nghĩa, mà phải dừng dự án.
Cụ thể, dự án đã có dấu hiệu vi phạm nhiều luật liên quan. Đó là dấu hiệu vi phạm Luật tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường 2004, Luật phòng chống thiên tai 2013, Luật giao thông đường thủy nội địa 2004”.
Ông Long cho biết cá nhân ông và nhiều chuyên gia đang mong chờ đoàn kiểm tra liên bộ cho ý kiến về tính pháp lý của dự án này.
“Đây là vấn đề có vẻ đang được né tránh mà chỉ nói về những hạn chế của báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu vi phạm về luật thì cách sửa sai duy nhất là dừng dự án, dũng cảm sửa sai để móc đất đá dưới sông” - ông Long khẳng định.
Trong khi đó, ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho rằng dự án “cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” không thể chối là không vi phạm luật.
“Rõ ràng trong các quy định khi sử dụng nguồn nước, nếu chỉnh trang dòng sông, kè bờ thì rất tốt. Nhưng ở đây là dự án lấn sông để xây dựng nhà, bản chất của vấn đề không phải là kè bờ.
Bây giờ anh lấn ra sông, không chỉ nói đến việc làm thay đổi dòng chảy, làm hẹp dòng sông đi, mà bản chất là anh đã vi phạm các luật chuyên ngành về quản lý tài nguyên nước, không thể chối là không vi phạm, không thể nói là anh làm đúng pháp luật” - ông Thảo quả quyết.
Ông Thảo cũng đồng tình với quan điểm của TS Vũ Ngọc Long: “Đã phạm luật thì cần dừng dự án”.
Trả lời câu hỏi nếu liên bộ kết luận dự án được tiếp tục triển khai thì quan điểm của viện như thế nào, ông Thảo trả lời: “Lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội phải được đặt lên trên, chứ không phải vì lợi ích của một nhóm người mà hi sinh lợi ích của số đông là không chấp nhận được.
Còn nếu liên bộ thông qua dự án này, rõ ràng đó là một thách thức lớn đối với kỷ cương phép nước. Thách thức lớn đến lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng với lợi ích của một nhóm người. Thách thức lớn giữa chủ quan với khoa học”.
Sao chép đánh giá tác động môi trường của nghĩa trang
TS Vũ Ngọc Long cho biết báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” có nhiều nội dung giống như bê từ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai”.
“Nhiều nội dung giống nhau, ngay phần kiến nghị trong báo cáo đáng ra phải suy nghĩ viết ra thì cũng có tới hai phần giống nhau” - ông Long phân tích.
Trả lời câu hỏi có nghi vấn về việc có thông tin đất đá lấn sông Đồng Nai vừa qua được vận chuyển từ nguồn đất đá có nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa, TS Long cho biết ông cũng mới nghe thông tin này:
“Nếu đúng có việc này thì rất nguy hiểm, nguy hại cho nguồn nước vì nguồn đất đá này nhiễm dioxin. Tôi cho rằng UBND tỉnh Đồng Nai phải có trách nhiệm làm rõ thực hư sự việc này".
Đìu hiu ở dự án lấn sông Đồng Nai
Hiện trạng dự án lấn sông Đồng Nai đìu hiu sau cơn mưa chiều 12-5 - Ảnh: Hà Mi
Liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai, chiều 12-5 phóng viên trở lại khu vực dự án đã tạm ngừng thi công nhiều ngày thấy khung cảnh ở đây càng đìu hiu. Hệ thống ống nước tưới chống bụi cũng tạm dừng sau một cơn mưa lớn đổ xuống.
Hiện diện là các ống cống, bệ đặt ống thoát nước vẫn nằm chênh vênh cùng với cỏ mọc um tùm. Khác với những ngày trước, dự án dù tạm ngừng vẫn có ít công nhân đi lòng vòng ở khu vực dự án để bảo vệ tài sản và mở nước tưới chống bụi, tránh gây phiền hà cho dân.
Một số chủ quán cà phê, quán nhậu ven sông ở khu vực P.Quyết Thắng, TP Biên Hòa cho hay do mất không gian nên quán ế ẩm, vắng khách. Riêng tại khu vực tập kết vật tư trước đây, công nhân túc trực để bảo vệ tài sản của công trình.