Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kiên Giang tăng cường phòng chống cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm

(18:19:03 PM 11/05/2015)
(Tin Môi Trường) - Kiên Giang đang ở giai đoạn cao điểm của mùa khô, thời tiết tiếp tục khô hanh kéo dài. Theo cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tại một số địa phương của Kiên Giang như huyện Hòn Đất, Phú Quốc, thị xã Hà Tiên… có một số vùng dự báo cháy rừng đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong phòng chống cháy rừng.

Tăng cường phòng chống cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm -Ảnh: TL

 

Huyện Hòn Đất có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 11.130 ha; trong đó, diện tích rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hòn Đất - Kiên Hà là 5.859 ha, rừng tràm phòng hộ dân sinh 4.404 ha; rừng phòng hộ ven biển 1.455 ha... Rừng trên địa bàn huyện Hòn Đất có hai loại là rừng tràm trồng có vị trí nằm ở phía bắc quốc lộ 80 thuộc 3 xã Nam Thái Sơn, Bình Sơn và Bình Giang; rừng trồng đồi núi thuộc xã Thổ Sơn có vị trí phía nam quốc lộ 80. Vị trí của diện tích rừng ở phía bắc quốc lộ 80 tiếp giáp với kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên có hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây của vùng Tứ giác Long Xuyên nên vào mùa khô mực nước tại các khu vực rừng tràm xuống rất nhanh, đặc biệt là khu vùng đệm rừng Hòn Đất - Kiên Hà. Còn đối với khu vực rừng đồi núi, khi thời tiết ngưng mưa, trời khô hạn, thảm thực vật dưới tán rừng cũng khô, độ ẩm thấp. Đa số người dân sống quanh chân núi đều có đất vườn liên kết với rừng. Người dân cũng có thói quen đốt giấy tiền vàng mã thờ cúng nên nếu bất cẩn sẽ dẫn đến cháy. Bên cạnh đó, khu vực đồi núi xe cơ giới không tiếp cận được, việc vận chuyển các phương tiện chữa cháy rất khó khăn, nguồn nước phục vụ chữa cháy lại cách xa chân núi. Người dân sống tập trung tại các khu vực chân núi thuộc xã Thổ Sơn và khu vực kênh Vàm Rầy, xã Bình Sơn tiếp giáp với các trục đường giao thông, khu vực dân cư và đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân nên nguy cơ xảy ra cháy rừng từ những hộ dân sinh sống ven rừng rất cao.

Ông Dương Văn Lợi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòn Đất cho biết, ngay đầu mùa khô năm 2015, xác định vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy lan và các khu vực rừng lân cận, Hạt Kiểm lâm huyện kết hợp các cơ quan chức năng và chủ rừng, nhân dân sinh sống ven rừng đã tiến hành đốt 1.527 ha thực bì để tạo vành đai an toàn. Hiện nay, tại một số vùng thuộc địa bàn huyện Hòn Đất như khu vực rừng đồi núi Hòn Me, Hòn Đất, xã Thổ Sơn, rừng vùng đệm phòng hộ thuộc Ban quản lý rừng Hòn Đất - Kiên Hà, Lâm trường 422 và Tập đoàn Cao su, dự báo cháy rừng đang ở cấp V. Do đó, huyện thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Tại thị xã vùng biên Hà Tiên, có gần 1.200 ha đất rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ môi sinh và rừng phòng hộ ven biển, tập trung ở các phường Pháo Đài, Tô Châu, xã Thuận Yên, Tiên Hải, Mỹ Đức. Hiện nay, các khu vực có nguy cơ xảy cháy cao là núi Tam Phú Nhơn, núi Giếng Tượng thuộc phường Pháo Đài và khoảng gần 400 ha ở các núi Thạch Động, Sa Kỳ, Thị Vạn, Đá Dựng thuộc địa bàn xã Mỹ Đức. Từ nhiều đời nay, người dân sinh sống trong rừng, ven rừng để trồng cây ăn trái, đồng thời để giữ mồ mả ông bà. Trước tình hình nắng nóng như hiện nay, các ngành chức năng thị xã Hà Tiên tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng; đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống cháy rừng; củng cố lực lượng tổ, đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, cung cấp các dụng cụ cần thiết để nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Theo ông Trịnh Hoàng Ánh, Đội trưởng Đội phòng cháy chữa cháy rừng xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên cho biết: Đội có 14 thành viên. Những ngày này, các thành viên trong đội liên tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân không hút thuốc, không mang các vật dụng dễ cháy khi đi vào khu vực rừng.

Ông Trần Văn Húa, ngụ ấp Thạch Động, xã Mỹ Đức cho biết, gia đình ông được giao 1,5 ha rừng để trồng keo lai, xoài cát Hòa Lộc. Những ngày nắng nóng, ông và các thành viên trong gia đình luôn ý thức phòng cháy rừng và chủ động khi có tình huống xảy ra.

Huyện đảo Phú Quốc có trên 37.000 ha rừng được quy hoạch, trong đó Vườn quốc gia Phú Quốc với diện tích gần 31.500 ha (trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 8.500 ha). Để bảo vệ rừng, Kiểm lâm Vườn quốc gia Phú Quốc xây dựng 4 lán trại trong những khu vực có nguy cơ cháy cao, huy động trên 100 người, gồm kiểm lâm cùng với lực lượng quân đội và địa phương trực 24/24 giờ.

Trước nguy cơ cháy rừng trên huyện đảo Phú Quốc được cảnh báo ở cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm. Theo ông Phạm Quang Bình, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy huyện đã phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tuyệt đối không đốt rẫy trong tháng cao điểm mùa khô, không để người lạ vào rừng; nạo vét các giếng khơi trong rừng…

Tuy nhiên, vào cuối tháng 3/2015, một vụ cháy đã xảy ra tại địa bàn thị trấn An Thới (Phú Quốc) làm thiệt hại 30 ha rừng tràm. Tại huyện Hòn Đất, trong tháng 3 năm nay đã xảy ra một vụ cháy 35,6 ha rừng và hai vụ cháy vườn tạp tại thị trấn Hòn Đất, đất vườn đồi núi, ấp Hòn Me, xã Thổ Sơn. Nghiêm trọng hơn là vụ cháy rừng xảy ra ngày 5/4 trên lâm phần Công ty cổ phần Du lịch U Minh thuộc địa bàn ấp Kênh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, làm thiệt hại khoảng 50 ha rừng tràm. Nguyên nhân vụ cháy rừng này được xác định do người dân đốt ong, đốt thực bì, sử dụng lửa trong sinh hoạt, đốt lá cây khô vệ sinh, đốt giấy tiền vàng mã trong mùa khô, bất cẩn dẫn đến xảy ra cháy.

Lê Sen