Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đường Trần Hưng Đạo phía bờ đông sông Hàn được quy hoạch trở thành điểm sinh hoạt công cộng lý tưởng dành cho người dân lẫn du khách. Trong ảnh là một góc phố đoạn chân cầu Rồng - Ảnh: Đăng Nam
Gần mười năm qua, cả du khách lẫn người dân TP Đà Nẵng đã coi tuyến đường Bạch Đằng (dọc bờ tây sông Hàn) như là một tuyến phố đi bộ đúng nghĩa.
Bởi lẽ tuyến phố này đã được quy hoạch theo hướng trải dài và rộng, đủ sức để có thể tổ chức các đêm nhạc đường phố hay triển lãm tranh ảnh, thậm chí đường Bạch Đằng đoạn qua chợ Hàn còn có cả một công viên tượng đá với sự bày biện rất nhiều bức tượng của các nghệ nhân Non Nước.
“Không gian sống”dọc sông
Ông Nguyễn Tấn Thành, một người dân ở phường Thạch Thang (Q.Hải Châu), cho biết: “Sáng và chiều nào người dân trong khu phố tôi đều ra đường Bạch Đằng để đi bộ, hóng mát”. Nhưng xôm tụ nhất có lẽ là đoạn công viên hai bên chân cầu Rồng.
Từ ngày có cầu Rồng, nơi đây trở thành không gian mở. “Cứ chiều chiều, nơi đây trở thành điểm đấu cờ tướng của nhiều người, còn đến tối là tụ điểm của giới trẻ. Thậm chí nhiều người còn đem chó cưng ra thi thố, trình diễn” - ông Thành nói.
Và nếu đường Bạch Đằng được chọn là đường hoa từ nhiều năm trước đó thì đường Trần Hưng Đạo (phía tây sông Hàn) đoạn gần cầu Rồng gần đây cũng được đưa vào danh mục đường hoa ven sông.
Riêng đường Trần Hưng Đạo đoạn từ cầu Sông Hàn đến chân cầu Thuận Phước đã được quy hoạch trở thành khu vực bắn pháo hoa và bến du thuyền.
“Hiện toàn bộ mấy hecta đất ven sông phía bờ tây này đều dành cho lễ hội pháo hoa và trong tương lai nơi đây sẽ quy hoạch thành các bến du thuyền hạng sang. Tất cả đều là không gian mở cho người dân lẫn du khách” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, con sông Hàn được xác định là chủ thể chính trong tổng thể quy hoạch chung, vậy nên toàn bộ vệt đất chạy dọc hai bên sông Hàn đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý lâu nay luôn được xác định là “không gian sống” của cả đô thị Đà Nẵng. Nên thời gian qua, chính quyền TP đã nỗ lực trong việc di dời, giải tỏa các cơ sở hạ tầng dọc hai bên bờ sông này để lấy đất mở rộng “không gian sống”.
Theo ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng, hiện ven sông Hàn còn hai khu đất có diện tích lớn là khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu và cảng Đà Nẵng, cả hai vừa mới giải tỏa.
Trong đó, khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu rộng 7,5ha đã được Chính phủ đồng ý cho phía quân đội khai thác để thu kinh phí cho việc di dời, xây mới Nhà máy đóng tàu Sông Thu.
Nhưng trong số 7,5ha đất nói trên TP chỉ cho phép xây dựng khoảng 4ha bao gồm các khối nhà cao khoảng 30 tầng, phần đất còn lại sẽ dành cho cây xanh và các công trình công cộng khác, trong đó có việc kéo dài tuyến đường Bạch Đằng đoạn từ cầu Rồng lên cầu Trần Thị Lý.
Riêng khu đất cảng Đà Nẵng (đoạn trước khách sạn Novotel), TP sẽ cho đầu tư ở đây một bến du thuyền và biến nơi đây thành một điểm vui chơi giải trí công cộng.
“Một số khu đất vàng nằm ở phía bờ tây sông Hàn đã chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác trước đó, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng thì theo quy định của Nhà nước sẽ xem xét để thu hồi” - ông Tuấn cho biết.
Chọn nhà tư vấn đúng tầm cỡ
Tại cuộc họp về quy hoạch kiến trúc Đà Nẵng diễn ra vào tháng 3-2015, vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hàn đã được địa phương này đặt ra một cách nghiêm túc.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Không gian hai bờ sông Hàn là tài sản vô giá của TP Đà Nẵng. Việc quy hoạch hai trục đường cảnh quan này bây giờ làm đã muộn nhưng còn hơn không.
Trước đây TP đã xây dựng một số công trình lởm chởm ở đó rồi, bây giờ cũng cần phải quy hoạch lại, có quy định cụ thể việc xây dựng để biến trục hai bờ sông xứng tầm của một đô thị hiện đại nhưng đảm bảo yếu tố sinh thái.
Phải chọn nhà tư vấn đúng tầm cỡ để có quy hoạch, thiết kế đẹp. Sau này tài sản kiến trúc của Đà Nẵng chính là nằm ở đây, những dự án nào chưa đưa vào triển khai xây dựng thì buộc phải theo quy hoạch mới. Có thể trước đây họ đã được phê duyệt thiết kế nhưng nay thấy không phù hợp nữa thì TP yêu cầu phải điều chỉnh lại cho phù hợp với tổng thể”.
Còn theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ: “Việc thuê làm quy hoạch là không tiếc tiền, sợ tốn kém nhưng làm sao cho đúng tầm cỡ của nó”.
Vì vậy ông Thọ yêu cầu Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng ra đề bài: “Làm sao để đây là công trình để đời. Phải nghiên cứu, động não chứ không phải vẽ ra cho xong rồi để đó”. Nếu thiết kế đạt yêu cầu, được lãnh đạo TP phê duyệt thì sẽ đưa vào kế hoạch triển khai nhanh để biến nơi đây thành không gian văn hóa, vui chơi của người dân và du khách.
Từ chủ trương đó, mới đây Công ty Jina (Hàn Quốc), một đơn vị được mời tham gia thiết kế hai bên bờ sông Hàn, đã “chào” gói kinh phí thực hiện quy hoạch trên lên đến 245.000 USD.
Theo ông Thái Ngọc Trung - viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, qua đo đạc cho thấy tổng diện tích không gian quy hoạch dọc hai bên sông Hàn đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý là 434ha, trong đó bao gồm cả diện tích mặt nước, đất công cộng và đất ở của người dân, doanh nghiệp.
Dự kiến giữa tháng 6 Công ty Jina sẽ báo cáo đề án quy hoạch không gian kiến trúc dọc hai bờ sông Hàn.
KTS Phạm Phú Bình (phó chủ tịch Hội Tư vấn xây dựng VN):
Nhiều nhà đầu tư đang nhắm đến sông Hàn
Bây giờ chúng ta thấy hai bên bờ sông Hàn việc xây dựng tương đối ổn định. Trục đường hai bên bờ sông đã trở thành không gian đúng nghĩa cho cộng đồng.
Tuy nhiên, tôi được biết vẫn có nhiều nhà đầu tư đang nhắm đến sông Hàn, muốn đầu tư khai thác sát hai bên bờ sông vì vị trí đắc địa thu lợi nhanh.
Nếu chúng ta cho phép xây dựng công trình trên sông Hàn thì chúng ta chỉ chú trọng đến lợi ích của nhà đầu tư mà bỏ quên quyền lợi của cộng đồng.
Vì vậy, lãnh đạo nên hết sức cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi cho phép xây dựng một công trình trên sông Hàn. Còn với các khu đất ven sông thì TP nên khống chế về chiều cao, khoảng lùi cần thiết khi xây dựng để khỏi vướng tầm nhìn.