Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rác thải nguy hại chứa tại kho ở phường Tân Hiệp (TP. Biên Hòa) của Công ty Tân Phát Tài -Đồng Nai - Ảnh: TL
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian vừa qua, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP đã phát huy hiệu quả và là công cụ hữu hiệu trong công tác bảo vệ môi trường. Với mức phạt tiền tăng cao và các hình thức xử phạt nghiêm khắc, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP có tính răn đe cao đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm và gây ô nhiễm môi trường, góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường từng bước đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, do có sự thay đổi của Luật bảo vệ môi trường năm 2014, một số quy định mới về bảo vệ môi trường đã thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó có một số vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện như: Thiếu quy định điều chỉnh các hành vi đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; các hành vi liên quan đến quản lý chất thải và phế liệu, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo và phục hồi môi trường và một số hành vi khác cũng đã thay đổi.
Hơn nữa, một số quy định về hành vi vi phạm còn rộng, chưa có tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng, khối lượng xả thải lớn và chưa hợp lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm ở mức độ ít nghiêm trọng, chưa đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, chưa đảm bảo công bằng trong quá trình xử phạt.
Ngoài ra, mức xử phạt quy định một số hành vi còn thấp, chưa tương xứng với hành vi vi phạm, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa ô nhiễm và thực tế, nhiều doanh nghiệp chịu nộp phạt thay cho việc xử lý ô nhiễm…
Vì vậy, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc xây dựng Nghị định mới để thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP là cần thiết.
Phạt tối đa cá nhân 1 tỷ đồng, tổ chức 2 tỷ đồng
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm 5 chương 74 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Trong đó, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được phân chia rõ thành 2 mục: 1- Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm các điều 8 – 49 (Mục này phân rõ các nhóm hành vi vi phạm đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng - tổ chức gấp 2 lần cá nhân); 2- Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm các điều từ 50 - 56, quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của: Chủ tịch UBND các cấp, Công an nhân dân, Thanh tra chuyên ngành và của các lực lượng khác; phân định rõ thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm.