Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phú Thọ: Sẽ đấu giá quyền khai thác khoáng sản

(08:21:20 AM 06/05/2015)
(Tin Môi Trường) - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đang khẩn trương hoàn thành các bước điều tra, khảo sát, thăm dò trữ lượng mỏ để chuẩn bị cho việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ diễn ra trên địa bàn trong tháng 6/2015. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn.

 Phú Thọ: Sẽ đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Ảnh minh hoạ

 

Phú Thọ là một trong 4 địa phương của cả nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn làm điểm để triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1/2015, nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường. 


Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, mỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn để đấu giá trong đợt này là mỏ sắt ở khu vực Khe Bằng nằm trên địa bàn hai xã Thu Cúc (Tân Sơn) và xã Trung Sơn (Yên Lập). Để chuẩn bị cho đợt đấu giá sắp tới, tỉnh đã tổ chức xin ý kiến các ngành và địa phương trực tiếp liên quan đến mỏ; đồng thời, thông tin các bước thực hiện đấu giá, các đối tượng được tham gia đấu giá và xác định mức tiền khởi điểm đấu giá để các nhà đầu tư biết. 


Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn, hiện tỉnh mới hoàn thiện được việc khảo sát, điều tra trữ lượng. Còn công tác thăm dò để xác định trữ lượng chính xác chưa làm được. Với trữ lượng được dự báo hiện nay ở mức 5 triệu tấn mới chỉ là dự đoán, chưa chính xác. Việc này sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác quyết định giá khởi điểm. Bên cạnh đó, việc đưa vào khai thác các mỏ sắt này cũng sẽ ảnh hưởng đến đến đời sống, môi trường xung quanh. Hiện tại khu vực còn 60 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trên 30 ha đất lúa của người dân và hàng trục ha rừng phòng hộ. Nếu đấu giá thành công, tỉnh sẽ phải di chuyển toàn bộ số hộ dân ra khỏi khu vực khai thác, bố trí nơi tái định cư, đất sản xuất. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có phương án xử lý toàn bộ diện tích đất lúa giao cho doanh nghiệp phục vụ khai thác khoáng sản. Một số diện tích rừng phòng hộ nằm trong khu vực ảnh hưởng cũng phải đề nghị Chính phủ đưa ra khỏi vùng rừng phòng hộ… 


Cấp phép tràn lan, khai thác không theo quy hoạch, không thực hiện thăm dò đánh giá trữ lượng trước khi khai thác, bới múc bừa bãi, hủy hoại tài nguyên môi trường là thực trạng trong hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ từ năm 2008 - 2011, trên địa bàn tỉnh đã có 140 mỏ khoáng sản được Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp phép hoạt động; trong đó, có tới 9 mỏ sắt, 22 mỏ đá, 9 mỏ cao lanh cấp phép vượt quá chỉ tiêu quy hoạch. Nhiều mỏ than, thạch anh, serpentin quarzit không nằm trong quy hoạch, không thực hiện thăm dò đánh giá trữ lượng vẫn được các cơ quan chức năng cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, còn hàng chục doanh nghiệp khác không thực hiện thăm dò trữ lượng cũng vẫn được cấp phép hoạt động. 


Việc cấp phép tràn làn, không theo quy hoạch, không thăm dò trữ lượng đã gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên lớn, gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái, nhất là các hoạt động khai thác quặng, kim loại và vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân. Không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn thất thu ngân sách ở các sắc thuế tài nguyên, thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. 


Thêm nữa là các doanh nghiệp hoạt động yếu, thiếu vốn, đầu tư không đồng bộ, một số có lợi thế, có thị trường khai thác ồ ạt, không theo thiết kế và quy hoạch, làm ảnh hưởng đến môi trường; xe chở quá khổ quá tải, phá hỏng đường giao thông, gây sạt lở bờ sông và mất trật an ninh xã hội. Hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư sử dụng công nghệ khai thác chế biến tiên tiến, chủ yếu khai thác thô sau đó xuất bán ra thị trường, một số chỉ chờ thị trường xuất khẩu… 


Theo ông Thắng, việc quyết định đấu giá khai thác khoáng sản sẽ giúp lựa chọn được những doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm khai thác và phải cam kết công nghệ chế biến; đồng thời, cũng dần xóa bỏ cơ chế xin cho trước đây, thay vào đó các doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản sẽ phải bỏ ra khoản tiền lớn và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác, hướng tới việc đấu giá công khai minh bạch. Tỉnh cũng sẽ có các biện pháp ngăn chặn, phát hiện việc làm biến dạng công tác đấu giá…

 

Lâm Đào An