Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rừng đầu nguồn Đa Nhim bị đầu độc

(08:08:21 AM 05/05/2015)
(Tin Môi Trường) - Ông Trịnh Ngũ Hùng - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (BQL RPHĐN) Đa Nhim (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), nói: “Với cái nhìn chuyên môn, chúng tôi cho rằng đây là vụ phá rừng để lấy đất sản xuất chứ không nhằm mục đích khai thác gỗ, mặc dầu tính về thiệt hại lâm sản thì mức độ này là khá lớn”. Ông Hùng thông báo: “Vụ phá rừng này đã được ban chúng tôi gửi văn bản sang bên CA huyện Lạc Dương đề nghị vào cuộc điều tra”.

 Rừng đầu nguồn Đa Nhim bị đầu độc

Những cây thông bị đầu độc không còn khả năng phục hồi tại tiểu khu 114A

 

 

Khoét gốc, bơm hoá chất vào cây


Vụ đầu độc rừng thông bằng cách ken cây và bơm hóa chất vào thân cây này xảy ra tại tiểu khu 114A, nằm trong khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng, thuộc địa phận xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương), là lâm phần do BQL RPHĐN Đa Nhim quản lý. Điều đáng nói, đây là vụ đầu độc rừng thông đầu nguồn Đa Nhim vừa xảy ra và bị phát hiện (từ cuối tháng 3 đến tuần giữa tháng 4.2015) chứ đây hoàn toàn không phải là “cách làm” mới - bơm hóa chất - của đối tượng phá rừng đối với rừng đầu nguồn Đa Nhim.


Theo biên bản lập tại hiện trường, hiện có đến 90 cây thông ba lá có đường kính từ 18 - 40cm, chiều cao từ 14 - 16m, bị ken gốc (khoét vỏ) và bơm hóa chất vào thân. 90 cây thông này nằm trên diện tích 1.825m2 (với trữ lượng đo đến được gần 37m3 gỗ), thuộc khu vực Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng (người dân còn gọi đây là khu nông nghiệp ấp Lát, xã Đạ Sar). 


 Rừng đầu nguồn Đa Nhim bị đầu độc

  Một số cây đã bị đốn ngã và đốt. Ảnh: K.D

 

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, cán bộ Trạm QLBVR Đarahoa (thuộc BQLRPHĐN Đa Nhim) đã tiến hành tìm hiểu, thu thập tư liệu, chứng cứ... và tuyên truyền vận động một số hộ dân trong khu vực nhưng kết quả cuối cùng là không hộ dân nào, không một ai đứng ra chịu trách nhiệm về vụ đầu độc rừng thông này. Xét thấy đây là vụ phá rừng nghiêm trọng nên BQLRPHĐN Đa Nhim đã có văn bản gửi Công an huyện Lạc Dương có nội dung: “Để điều tra xác minh làm rõ đối tượng và hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, BQLRPHĐN Đa Nhim mong CA huyện Lạc Dương giúp đỡ, cử cán bộ điều tra đối tượng vi phạm để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và ken cây trái pháp luật”. 


Ông Trịnh Ngũ Hùng cho biết thêm: “Thực ra, cách khoét gốc rồi bơm thuốc độc vào cây thông là cách làm không có gì mới nữa; tuy nhiên, trước đây chỉ xảy ra rải rác ở một vài chỗ, một vài cây chứ không có tập trung cùng một lúc đến 90 cây thông trên diện tích gần 2.000m2 như trong vụ việc này”. 


Xin được nhắc lại, cách nay chưa lâu, qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một vụ việc ken cây đổ thuốc độc kiểu như thế này tại diện tích đất lâm nghiệp cũng thuộc BQLRPHĐN Đa Nhim nhưng được UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Văn thuê để trồng cây, trồng hoa trang trí và nuôi cá nước lạnh. Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện có đến 2,1ha rừng thông (trong tổng số 13ha cho thuê) bị khoét gốc và đầu độc cho đến chết với mức độ thiệt hại lên đến hơn 1 tỉ đồng.


Chỉ dừng lại ở mức... chấn chỉnh?


Trước những sự vụ “nóng” này, UBND huyện Lạc Dương yêu cầu các cơ quan chức năng “tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục tổ chức giải tỏa nóng ngay đối với các trường hợp mới lấn chiếm, không để người dân trồng cây trên diện tích lấn chiếm...”.


Lạc Dương là huyện có tỉ lệ độ che phủ của rừng cao nhất nước - 86%; điều đáng quan tâm nữa là, hầu hết rừng ở đây là rừng phòng hộ đầu nguồn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mục đích du lịch sinh thái, sản xuất nông lâm kết hợp, nuôi cá nước lạnh... trên lâm phần rừng phòng hộ đầu nguồn của Lạc Dương đã được đặt ra và thực hiện bằng cách cho các doanh nghiệp thuê đất thuê rừng nên cũng từ đây nảy sinh không ít vấn đề phức tạp. 


Và, vấn đề rừng phòng hộ đầu nguồn Lạc Dương càng trở nên phức tạp khi con đường “nối biển và hoa” (nối Nha Trang của Khánh Hòa với Đà Lạt của Lâm Đồng) được mở ra và đi xuyên qua hầu hết những cánh rừng đầu nguồn của Lạc Dương từ Đạ Sar - Đạ Nhim - Đạ Chair đến Khánh Vĩnh của Khánh Hòa dài trên 60km (phần đất của Lạc Dương). 


Trên địa bàn Lạc Dương từng có không ít dự án của các doanh nghiệp thuê rừng bị thu hồi, không ít chủ doanh nghiệp để rừng bị tàn phá phải nộp phạt từ vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng. Điều khá lạ là từ trước đến nay, hầu hết các vụ đầu độc rừng thông ở Lạc Dương nói riêng và Lâm Đồng nói chung đều “vắng chủ”. Không biết vụ 90 cây thông ở tiểu khu 114A thuộc BQLRPHĐN Đa Nhim bị đầu độc có tìm ra được thủ phạm?

KHẮC DŨNG (LĐ)