Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phân bón "Made in USA" làm ở... Đồng Nai

(17:12:56 PM 04/05/2015)
(Tin Môi Trường) - Để lừa dối người tiêu dùng, những đối tượng làm hàng giả đã không từ bất cứ thủ đoạn gian trá nào. Vụ sản xuất phân bón ngoại giả ở Cty Thuận Phong (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị “lực lượng 389 quốc gia” phát hiện và triệt phá mới đây là một điển hình.

 Phân bón “Made in USA” làm ở... Đồng Nai

Giám đốc Cty Thuận Phong Khuất Mạnh Tường làm việc với các thành viên đoàn công tác liên ngành về hành vi sản xuất phân bón giả. Ảnh: Huy Bình

 

Hàng giả gắn tem... chống giả


Sau một thời gian xác minh thông tin tố giác của quần chúng về hành vi sản xuất phân bón giả tại nhà máy của Cty CP sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận Phong ở địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cùng lực lượng kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra hoạt động của nhà máy sản xuất phân bón của Cty Thuận Phong nằm tại khu vực K888 khu phố 7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa.


Tại thời điểm kiểm tra khu vực sản xuất của nhà máy, ông Võ Thanh Tùng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai - cho biết, đoàn kiểm tra đã phát hiện quả tang 2 nhân viên đang chiết rót phân bón (dạng nước) từ bồn chứa vào những chai nhựa có in nhãn hiệu VITOL (loại 1 lít/chai). Mặc dù sản phẩm đóng chai tại xưởng của Cty Thuận Phong, nhưng trên nhãn sản phẩm lại ghi nguồn gốc xuất xứ “Made in USA”.


Kiểm kê lượng hàng hoá có trong nhà máy, lực lượng kiểm tra đã phát hiện trong kho có 3.224 chai phân bón mang nhãn hàng hoá ghi xuất xứ “Made in USA” (tương đương 4.045,39kg) cùng 148kg nhãn hàng hoá ghi xuất xứ “Made in USA” và 95,18kg nhãn phụ các loại và 1.500 tem niêm phong nhãn hiện Huma Gro. Kết quả thống kê tại kho nhà máy cho thấy, cơ sở này đã làm giả hàng loạt sản phẩm phân bón nhập khẩu, cụ thể lực lượng kiểm tra đã thu giữ 800 chai mang nhãn hiệu BREAKOUT loại 1,3kg/chai; 871 chai mang nhãn JACKPOT loại


1,3kg/chai; 360 chai mang nhãn hiệu HONEY PROUND loại 1,03 kg/chai; 140 chai phân bón nhãn AGAVE PROMAX loại 1,07kg/chai; 260 chai mang nhãn hiệu BORON loại 1,18kg/chai; 60 chai ZAP loại 1,18kg/chai. 


Để lừa dối người tiêu dùng, đối tượng sản xuất hàng giả không chỉ gắn vào chai phân bón tem phụ giống y hệt quy định đối với hàng ngoại nhập khẩu, mà trên các chai phân bón giả còn được gắn cả tem chống hàng giả. Bằng thủ đoạn làm giả này, bà con nông dân hoàn toàn yêu tâm mua được “phân bón nhập khẩu”, không hề biết chúng là các sản phẩm giả mạo.


Trước hàng loạt chứng cứ quả tang, GĐ Cty Thuận Phong là ông Khuất Mạnh Tường đã phải ký vào biên bản vi phạm. Được biết, Cty Thuận Phong đã có giấy phép từ năm 2003 và GĐ Cty đã từng là một cán bộ QLTT tỉnh Đồng Nai nên có... thừa kinh nghiệm để làm hàng giả lừa dối người tiêu dùng và đối phó với các cơ quan chức năng.


Cần mạnh tay xử lý


Ngoài số lượng phân bón giả mạo nhãn hiệu nêu trên, trong kho của Cty Thuận Phong còn chứa rất nhiều các mặt hàng phân bón các loại. Kiểm tra sổ sách chứng từ, lực lượng chức năng phát hiện bên trong nhà máy đang chứa hơn 1.021 tấn thành phẩm phân bón cùng hơn 2.272 tấn nguyên liệu sản xuất phân bón cùng hơn 242 tấn hóa chất thương mại và hơn 13.504 lít phân bón dạng nước chưa đóng chai. Đồng thời, tại khu vực lò hơi đoàn kiểm tra phát hiện công nhân đốt lò đang đốt màng co mang nhãn hiện Tico của Cty cổ phần Tico. Đoàn kiểm tra yêu cầu dừng đốt và tạm giữ toàn bộ số nhãn đã bị cháy xém (12,34kg).


Điều làm cho lực lượng kiểm tra bức xúc là toàn bộ số nhãn hàng hoá (nhãn tiếng nước ngoài và nhãn phụ), tem niêm phong vỏ bao bì đều được Cty Thuận Phong thuê in ấn tại VN. Các cơ sở in nhãn mác bao bì được quản lý rất chặt chẽ, bởi đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, vậy mà nhãn mác và cả tem chống hàng giả được làm giả quá nhiều. Điều này cho thấy có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực này.


Trao đổi với PV về mức độ thiệt hại của bà con nông dân khi sử dụng phải loại phân bón giả nêu trên, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón VN - cho biết: Thiệt hại của nông dân đương nhiên là rất lớn. Sử dụng phân bón giả cây trồng không phát triển được, thậm chí còn dẫn đến chết cây trồng mà việc gieo trồng không có kết quả. 


“Đây là một vụ sản xuất phân bón giả lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện. Tôi tin vẫn còn nhiều chỗ khác sản xuất phân bón giả gây hại cho sản xuất nông nghiệp và nông dân. Đề nghị Ban chỉ đạo 389 T.Ư và các địa phương mở rộng điều tra, làm rõ đường dây ổ nhóm của loại tội phạm này để bảo vệ quyền lợi của người nông dân” - ông Thúy nhấn mạnh.

HUY BÌNH - MINH HẠNH(LĐ)