Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cây táu 2100 năm tuổi trước miếu Thiên Cổ là niềm tự hào dân làng Hương Lan đang lâm “trọng bệnh”.
Người dân thôn Hương Lan (Trưng Vương – Việt Trì - Phú Thọ) gọi cây táu 2100 năm tuổi của làng mình đầy thành kính là “cụ cây”. Nhất là khi “cụ cây” được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trao danh hiệu Cây di sản Việt Nam năm 2012, dân trong xã lại thêm tự hào và coi đó như báu vật của làng.
Ấy thế, niềm vui của dân làng ngắn chẳng tày gang. Chỉ sau ba năm được trao danh hiệu đó, cụ cây già nhất Việt Nam 2.100 năm tuổi lâm “trọng bệnh”.
“Khi cụ ấy còn xanh tốt, trẻ con hay đến nô đùa, còn chúng tôi ngồi hóng mát kể chuyện. Nhưng vài năm nay, “cụ ấy” chết héo, trơ trọi cành khiến mọi người buồn và lo lắng lắm”, cụ Nguyễn Hữu Yết, người dân làng Hương Lan kể.
Cây táu đang lão hóa, thân cây bị sâu mọt đục khoét, thiếu chất dinh dưỡng nên nhiều cành bị khô và chết dần, khả năng hồi phục rất yếu ớt.
Ba năm qua đã có rất nhiều đoàn chuyên gia đến khảo sát hiện trạng của “cụ cây”. Từng chủ trì nhiều cuộc hội thảo về khám chữa bệnh cho “cụ Táu”, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE nói: “Chăm sóc cây Táu đang là khẩn thiết. Làm sao kéo dài được tuổi thọ của cây là vấn đề khó, cần sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học ”.
Cách đây hai năm, tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để tìm phương pháp cứu chữa cây. Theo đó, các chuyên gia đã yêu cầu phá dỡ phần đất đá, bê tông đè lên gốc và rễ cây; cắt bỏ cành khô và cành tầm gửi, tìm những loại phân bón phù hợp đất và cây. Hồ sơ theo dõi sức khỏe của cây cũng được lập ra.
Tuy nhiên, sức khỏe của cây vẫn chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. TS Sinh cho hay, ngay cả các chuyên gia Úc cũng được mời đến chữa trị cho cây nhưng vẫn không tìm ra được nguyên nhân vì sao cây đang chết dần. Đây là lần đầu tiên họ gặp căn bệnh khô lá ở cây Táu.
“Hiện chúng ta chưa có đủ kinh phí, cũng như chuyên môn sâu để có thể tìm ra cách chữa trị cho cây táu. Do vậy, vẫn phải chờ kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Úc”, TS. Sinh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phương pháp chữa trị, chăm sóc cây là do các chuyên gia đầu ngành đưa ra. Tuy nhiên, việc chăm sóc trực tiếp hằng ngày là do chính quyền và người dân thực hiện. Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Trưng Vương cho biết, địa phương đã thực hiện theo quy trình, hướng dẫn của các nhà khoa học, nhưng bệnh của cây là do già cỗi. Người dân địa phương chỉ bón phân, tưới nước cho cây, chứ không còn cách nào khác để chữa trị bệnh cho cây.
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp lo lắng: “Nếu không sớm tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị, chúng ta không chỉ mất cây táu mà sẽ còn đánh mất cả nhiều cây cổ thụ khác.
Thân cây bị sâu mọt đục khoét, thiếu chất dinh dưỡng nên nhiều cành bị khô chết dần
Ngay cả chuyên gia Úc cũng đang "bó tay" trước tình hình sức khỏe của "cụ cây"