Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chị buôn ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng - Ảnh: TL
Ngay từ khi nhận được số tiền vô chủ, người đàn bà nghèo quê Quảng Ngãi đã khẳng khái: “Tiền không phải mình làm ra thì chẳng phải của mình. Tôi mong chủ nhân thật sự của số tiền đó đến nhận lại, họ cũng vui mà tôi cũng vui”. Nói là làm, chị đã trình báo và giao nộp công an cả 5 triệu yen ấy.
Và suốt gần 1 năm, chị vẫn ngược xuôi đầu đường góc chợ TP HCM với xe ve chai, chẳng mơ đổi đời. Người ta nói “lửa thử vàng, vàng thử đàn bà, đàn bà thử đàn ông”, trong đó “vàng thử đàn bà” hàm ý phụ nữ vốn dễ nổi lòng tham trước cám dỗ vật chất, ví như chị Hồng có thể làm nhiều cách - chẳng hạn thuê luật sư - để được chiếm hữu số tiền ấy. Nhưng người đàn bà ấy vẫn một mực nói không. Khoảng 5 ngày trước, khi tìm tới căn phòng trọ chật chội của chị ở quận Tân Bình, gặp chị trở về tất tả với xe ve chai, phóng viên Báo Người Lao Động hỏi đùa: “Tỉ phú rồi mà còn đi làm sao chị?”, chị đáp: “Giàu mà không chịu lao động thì tiền chất thành núi cũng hết. Nói thật chứ, nhận tiền rồi chị cũng vẫn đi buôn ve chai”.
Mấy ai nghĩ được như thế, nhất là người nghèo và ít học. “Giàu mà không chịu lao động thì tiền chất thành núi cũng hết”, chân lý là vậy mà nào phải ai cũng thấm, nhất là khi trong xã hội này vẫn còn bao kẻ biếng lười lại rắp tâm làm giàu trên lưng người khác; bao người đã giàu nứt đố đổ vách rồi mà vẫn tìm cách bòn rút của công, ăn chặn của người nghèo, thậm chí chen lấn vào đám đông để giành giật một suất ăn hay phần quà miễn phí.
Chợt nhớ đến một chị buôn ve chai khác từng khiến bao người xúc động, đó là chị Nguyễn Thị Quí, trọ ở phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM. Giữa năm 2012, chị mang 500.000 đồng đến ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Chị Quí cho biết đây là số tiền chị dành dụm được sau 20 ngày cật lực buôn ve chai. Một chuyến mời ra thăm Trường Sa sau đó như một phần quà ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của chị, cũng là làm lan tỏa những tấm gương tốt đẹp trong cộng đồng.
Trước đó nữa, cuối năm 2011, chị Phạm Thị Lành (ngụ ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nổi tiếng cả nước bằng câu chuyện như cổ tích: Bán thiếu 20 tờ vé số cho một khách quen, đến khi số vé này trúng giải lên tới 6,6 tỉ đồng, chị vẫn giao đủ số vé cho người trúng - một anh chạy xe ba gác đã 25 năm. Nếu biết gia cảnh Lành khổ đến mức không một cục đất chọi chim và chị từng toan lao vào xe tải tự tử vì cùng quẫn thì ai cũng bất ngờ trước lòng tốt của người nghèo này. Tết năm ấy, Lành “vé số” mua 2,5 tấn gạo phát tặng chòm xóm. “Lộc bất tận hưởng, đều là người nghèo thì phải thương nhau” - chị nói.
Người nghèo, nhất là người nghèo nhập cư, luôn chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Tuy vậy, không phải bao giờ sự bần hàn cũng làm mai một phẩm giá con người mà trái lại, giữa không gian cơ cực ấy, nhiều tấm lòng thảo thơm vẫn tỏa hương, làm đẹp cho đời!