Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chiếc xe kéo đã được trưng bày tại Cung Diên Thọ - hoàng cung Huế từ chiều 21-4 - Ảnh do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp
Như vậy, sau gần 108 năm kể từ tháng 10-1907, khi vua Thành Thái viết giấy tay bán cho ông Prosper Jourdan với giá 400 đồng (cùng chiếc long sàng) để mua xe hơi, chiếc xe kéo đã được trở về cố hương.
Chiếc xe này vua Thành Thái tặng mẹ là thái hậu Từ Minh để dạo chơi trong cung. Khi hay tin chiếc xe quý giá trở về cố quốc, thông tin từ Đại sứ quán VN tại Pháp cho biết con cháu của ông Prosper Jourdan chia sẻ sự vui mừng vì ước mong của họ đã được toại nguyện.
Kể từ khi sở hữu từ năm 1907, chiếc xe (và chiếc long sàng) được gia đình ông Jourdan rất trân quý, gìn giữ cẩn thận. Hai hiện vật này từng được đưa đi trưng bày tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Dijon (Bourgogne - Cộng hòa Pháp) và nhận được nhiều sự chú ý.
Trải qua suốt thời gian dài, chiếc xe cũng được thay một số ốc vít, cấu kiện nhỏ lẻ, bị tháo vòm xe và thay thế một cây đèn lồng loại thắp nến...
Hoàn toàn nguyên vẹn
Nơi chiếc xe được trưng bày là cung Diên Thọ, nơi ở cũ của các vị hoàng thái hậu trong hoàng cung Huế, nơi thái hậu Từ Minh từng ở.
Đúng 16g ngày 21-4-2015, xe chở kiện hàng vừa đến cũng là lúc các nhân công và một số thợ lành nghề đã được mời chờ sẵn để sẵn sàng lắp ráp trong đêm.
Trước đó, thông tin từ Pháp cho biết chiếc xe sẽ được tháo rời một số bộ phận để thuận tiện di chuyển. Nhà đấu giá Rouillac - Pháp, trong hồ sơ kỹ thuật cũng rất cẩn thận chỉ dẫn từng chi tiết việc tháo - ráp chiếc xe và khuyến cáo một đôi chỗ cần lưu ý.
Tài liệu này ghi rõ rằng: “Hai bánh xe: tháo đinh vít, khóa ngàm. Tháo ngàm và tháo chốt khóa bánh xe kèm theo lòn-dèn. Ngàm bên phải bị chẹt nhưng có thể rút ra toàn khối được. Càng xe: rút các cần đỡ càng xe, cùng với đèn, bằng cách rút theo chiều đứng...
Tháo các chốt chặn và rút luôn cả hai càng, đồng thời để ý đến vị trí của càng. Rút cái thanh nối hai càng...".
Tuy nhiên, khi mở kiện hàng thì mọi người chứng kiến đều không ngờ phía người gửi ở Pháp đã để nguyên chiếc xe chứ không tháo rời một số cấu kiện như thông tin ban đầu.
“Mở xe ra mà thấy quá mừng, họ để nguyên chiếc như vậy và đóng thùng bảo vệ, xe hoàn toàn nguyên vẹn, không sứt mẻ tí nào. Chiếc xe quá đẹp, quá tinh tế. Cổ vật bằng gỗ dù đã 100 năm rồi vẫn trong tình trạng rất tốt! Chúng tôi sẽ cố gắng bảo quản!” - ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, nói.
Các cán bộ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế vui mừng vì chiếc xe kéo vẫn còn nguyên vẹn trong chiều 21-4. Ảnh do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp
Phải đóng tạm 10% thuế VAT
Thật ra chiếc xe kéo quý giá đã về đến Hà Nội từ hôm 17-4. Tuy nhiên, xe vẫn không thể thông quan vì thiếu thủ tục đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Một cán bộ thuộc Trung tâm di tích Huế cho biết từ trước đến nay chưa có hiện vật nào được đưa về VN theo dạng cơ quan nhà nước mua đấu giá nước ngoài về để trưng bày.
Chiếc xe kéo chính là tiền lệ nên cơ quan hải quan xử lý vấn đề trong tình trạng lúng túng, buộc bên mua phải đóng VAT.
“Nóng ruột” do nhiều ngày ách lại tại sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đã cho phép ứng tiền để đóng thuế nhằm tìm cách đưa xe về Huế càng sớm càng tốt.
Ngày 20-4, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã hoàn tất thủ tục sau khi đóng gần 130 triệu đồng, tương đương 10% giá tiền mua xe ở Pháp.
Như vậy, chiếc xe kéo này đã phải chịu hai lần phí và thuế với tổng trị giá hơn 1/3 giá trúng tại phiên đấu giá. Cụ thể, giá trúng ban đầu của xe là 45.000 euro, cộng thêm 24% phí cho nhà đấu giá thành 55.800 euro. Về đến VN cũng đóng thêm 10% tiền “theo hóa đơn” tổng giá nói trên...
“Đây là cổ vật đầu tiên đấu giá thành công đưa về nước, trong luật không có nên việc xử lý có lúng túng, quy vào hiện vật nhập khẩu nên trước mắt phải đóng thuế. Sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Tài chính cho phép miễn giảm, nếu được xe làm thủ tục để hoàn lại tiền thuế”, ông Phan Thanh Hải cho biết.
Ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết vì chưa có tiền lệ, giá trị cổ vật như thế nào thì cũng không nắm chắc nên trước đó cũng “quyết định cầm chừng”, mang tính thăm dò. Việc mua cổ vật thành công lần này sẽ trở thành mốc dấu cho việc quyết định tham gia đấu giá những lần tiếp theo.
Ông Cao cho hay đang tìm cách để có hình thức nào đó kêu gọi, vận động sự đóng góp hiện vật và quỹ sưu tập hiện vật dể tìm cách đưa cổ vật tản mác từ nhiều nơi về lại Huế.