Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tình cảnh trên xảy ra ở xóm Gò Mía, thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
Xóm Gò Mía nằm lọt thỏm giữa một bên là dòng sông Ba và một bên là cánh đồng “trời đánh” vì đã có nhiều người bị sét đánh chết. Chỉ cách Quốc lộ 25 chưa đến 1 km nhưng người trong xóm ít khi ra đường. Vào xóm, ít được người dân tiếp chuyện và càng hiếm nhận được những nụ cười rạng rỡ. “Nhiều người trong xóm bị hư răng nên ngại cười” - ông Trần Dư, Trưởng thôn Cẩm Thạch, giải thích.
Hệ thống nước sạch bị bỏ hoang, một đồng hồ nước chưa bị tháo dỡ
Nguyễn M.T, con trai của Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Thạch Nguyễn Minh Hoàng, đến tuổi làm quen bạn gái nhưng em nói: “Ngại lắm, chẳng muốn đi chơi ở đâu. Mỗi khi cười sợ bạn trêu chọc”. Ông Nguyễn Minh Thành (43 tuổi) và bà Trương Thị Hai (41 tuổi) có 2 cô con gái đến tuổi cặp kê nhưng đều bị hư răng. Ông bà dành dụm được 6 triệu đồng đưa 2 con đến bác sĩ trám răng nhưng chưa được bao lâu thì bị bong tróc. “Gia đình đang tính mượn ít tiền để 2 con trồng răng giả” - bà Hai nói.
Theo những người dân nơi đây, trẻ em đến tuổi thay răng sữa thì hàm răng bắt đầu hư, ố vàng rồi đen xỉn, lâu ngày bị rụng dần. Bác sĩ Phạm Đình Huấn (chủ phòng mạch Nha Chín ở TP Tuy Hòa), người có nhiều thời gian tìm hiểu về tình trạng răng hư ở xóm Gò Mía, cho rằng nguồn nước ở đây chứa hàm lượng flour vượt ngưỡng cho phép nhiều lần làm ảnh hưởng đến men răng.
Theo ông Nguyễn Phi Hổ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây, trước tình trạng người dân xóm Gò Mía bị hư răng do nguồn nước, xã đã đề nghị và được huyện đầu tư hơn 3 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống nước sạch dài 7 km từ thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa về đây. Công trình do HTX Nông nghiệp Hòa Định Tây vận hành, kinh doanh bằng cách mua nước từ Nhà máy nước Phú Hòa (thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Phú Yên) rồi bán lại cho các hộ dân. Công trình đưa vào hoạt động từ năm 2009, đến năm 2011 thì tạm dừng do giá bán cao, người dân không sử dụng. Xã vận động mãi nhưng đến nay cũng chỉ có 3 hộ đồng ý sử dụng nước trở lại.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, khi bắt nước từ hệ thống nước sạch này vào nhà dân, mỗi hộ phải bỏ ra từ 1-4 triệu đồng để mua ống, đồng hồ. “Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các hộ dân đều tháo bỏ đồng hồ, đường ống” - ông Hoàng nói.
“Không mua thì đóng đồng hồ...”
Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Phú Yên, cho rằng UBND tỉnh Phú Yên chỉ giao công ty đầu tư, quản lý Nhà máy nước Phú Hòa để cấp nước cho thị trấn Phú Hòa chứ không có xã nào ở đây. Còn hệ thống nước sạch này do UBND huyện Phú Hòa làm chủ đầu tư, xin công ty bán nước qua đồng hồ tổng. “Họ mua thì mình mở nước thu tiền, còn không mua thì mình đóng đồng hồ” - ông Thuần nói.